Theo đó, ITV đã ghi lại cảnh bí mật trong nhà kho của Amazon ở Dunfermline, Scotland. Đoạn phim cho thấy hàng loạt máy tính xách tay, TV, đồ trang sức, tai nghe, sách và khẩu trang được nhân viên chất vào các thùng có dán nhãn “Tiêu hủy”.
Đây là những sản phẩm chưa bao giờ được bán hoặc bị khách hàng hoàn trả. Nhưng thay vì đem phân phối cho các tổ chức từ thiện hoặc những người có nhu cầu thì chúng lại bị ném vào các thùng lớn, chất vào các xe tải chở đến trung tâm tái chế hoặc bãi rác.
Một cựu nhân viên giấu tên nói với ITV News: "Cứ đến thứ sáu, mục tiêu của chúng tôi là tiêu hủy 130.000 mặt hàng mỗi tuần. Tôi từng rất ngạc nhiên. Không có tiêu chí gì cho các sản phẩm bị tiêu hủy, từ quạt Dyson, máy hút bụi Hoover, MacBook và iPad, gần đây nhất là 20.000 chiếc khẩu trang Covid-19 còn nguyên trong bọc. Nói chung, 50% những món hàng này còn chưa được mở và vẫn giữ nguyên bao bì. Nửa còn lại là hàng do khách hàng hoàn trả nhưng còn trong tình trạng tốt".
Vào tháng 4, tài liệu từ nhà kho Dunfermline (Anh) cho thấy có hơn 124.000 mặt hàng bị đánh dấu cần tiêu hủy trong vòng 7 ngày. Bên cạnh đó, chỉ có 28.000 món hàng được đem đi từ thiện. Nhân viên Amazon giấu tên cũng tiết lộ có những tuần họ phải tiêu hủy đến 200.000 sản phẩm.
Tại sao hàng trăm nghìn sản phẩm bị tiêu hủy theo cách này? Câu trả lời nằm ở mô hình kinh doanh cực kỳ thành công của Amazon. Nhiều nhà cung cấp trữ sản phẩm của họ trong các kho hàng rộng lớn của Amazon. Nhưng hàng hóa tồn đọng càng lâu, công ty càng bị tính phí lưu kho nhiều hơn. Vậy nên việc thanh lý hàng hóa, đặc biệt là hàng từ nước ngoài, sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với việc tiếp tục lưu kho.
Những cuộc điều tra độc lập khác cũng cho thấy Amazon thực hiện tương tự với các kho hàng tại Đức và Pháp.
"Đó là sự lãng phí không thể tưởng tượng được. Thật sốc khi chứng kiến một công ty trị giá hàng trăm tỷ USD loại bỏ hàng hóa theo cách này", Sam Chetan-Welsh, một nhà hoạt động bảo vệ môi trường thuộc tổ chức Greenpeace nhận xét.
Người phát ngôn của Amazon nói rằng nhà kho Dunfermline xử lý tất cả các sản phẩm bị đánh dấu tiêu hủy ở toàn bộ Vương quốc Anh. Nếu 130.000 sản phẩm là mức trung bình hàng tuần thì khi nhân lên, sẽ có tới hơn 6 triệu sản phẩm bị Amazon tiêu hủy mỗi năm. Theo ước tính của The Sun, số hàng hóa này trị giá tới 55 triệu USD.
Trong một tuyên bố khác, người phát ngôn của Amazon cho biết: “Bãi chôn lấp mà ITV đề cập tới thực ra là một trung tâm tái chế. Chúng tôi đang nỗ lực hướng tới mục tiêu không thải bỏ sản phẩm và ưu tiên của chúng tôi là bán lại, quyên góp cho các tổ chức từ thiện hoặc tái chế bất kỳ sản phẩm nào không bán được.
Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố sẽ xem xét trường hợp của Amazon tại Anh. Ông gọi đây là "bản cáo trạng về một xã hội tiêu thụ".
Từ 2019, sau một cuộc điều tra về phương pháp xử lý hàng hóa loại thải của Amazon tại Pháp, hãng này đã tạo chương trình quyên góp nhằm giải quyết lượng hàng tồn kho ở Mỹ và Anh.
Trong email phản hồi thông tin ở trên, Amazon khẳng định họ đốt chưa đến 1% sản phẩm. Đây chỉ là biện pháp cuối cùng đối với những hàng hóa lưu kho không có cách giải quyết.