Đây là cột mốc quan trọng với Netflix, được thúc đẩy nhờ người tiêu dùng ở nhà vì đại dịch và nhu cầu gia tăng trên thị trường quốc tế. Netflix cho biết có thể tạo ra tiền mặt nhiều hơn mức cần thiết và không còn phải đi vay. Sau thông tin này, cổ phiếu doanh nghiệp Mỹ đã tăng 12%.
Lợi thế lớn mà Netflix có được so với các đối thủ cạnh tranh là các chương trình và phim mới ra mắt liên tục. Nội dung chuẩn bị phát vào năm 2020 phần lớn được quay và ở giai đoạn hậu sản xuất, có thể hoàn thành từ xa trong thời gian đại dịch bùng phát.
Quý 3/2020 tăng trưởng kém ấn tượng, chỉ có thêm 2,2 triệu thuê bao so với 6 triệu dự kiến. Tuy vậy bước sang quý 4/2020, các chương trình mới như “The Queen’s Gambit và Emily in Paris” có một lượng fan khá lớn. Thêm vào đó, lợi nhuận cao của nhiều chương trình nổi tiếng như “The Crown” giúp Netflix trở thành một trong những nhà sản xuất nội dung trực tuyến kiếm tiền tốt nhất.
Cụ thể, hơn 62 triệu hộ gia đình đã xem The Queen’s Gambit trong vòng 4 tuần đầu tiên kể từ khi bộ phim ra mắt. Điều này đã biến The Queen’s Gambit trở thành serie được xem nhiều thứ 2 trên Netflix.
Netflix cũng dự báo sẽ hòa vốn trong năm 2021, tích cực hơn trước đó khi dự báo dòng tiền âm 1 tỷ USD. Doanh nghiệp này cũng đang cân nhắc trả tiền cho các cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu.
Trong quý IV, Netflix đặt doanh thu 6,64 tỷ USD, tăng gần 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái và cũng cao hơn dự báo của giới phân tích. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty giảm, chỉ còn 542 triệu USD.
2020 thành công với Netflix nhưng năm nay sự khởi sắc khó duy trì. Một phần lý do là thị trường bão hoà ở Mỹ khi lượng thuê bao không tăng trưởng. Trong khi đó, khách hàng ở châu Á cũng dần trở lại cuộc sống bình thường và không dành nhiều thời gian cho dịch vụ xem phim trực tuyến.
Ngoài ra, các đối thủ như HBO Max, Peacock, Disney Plus… sẵn sàng bước vào cuộc đua với Netflix. WandaVision vừa ra mắt trên Disney Plus. WarnerMedia sẽ phát hành các tựa phim lớn đồng thời trên HBO Max cùng ngày các phim ra rạp, có thể thu hút sự chú ý. Sau đó là TikTok, YouTube và Fortnite cũng có những kế hoạch riêng.