Cuộc chiến pháp lý về vấn đề bản quyền giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo (do Sconnect Việt Nam sở hữu) và Peppa Pig (do Entertainment One UK Limited tại Vương Quốc Anh - gọi tắt là EO sở hữu) kéo dài từ đầu năm 2022 đến nay. Cả hai bên chưa ngừng việc khởi kiện lẫn nhau tại các tòa án ở Nga, Anh và Việt Nam.
Cuối tháng 7, phía Sconnect tiếp tục gửi báo cáo lên các cơ quan hữu quan của Việt Nam đề nghị hỗ trợ trao đổi với Google và YouTube về việc ngừng tiếp nhận, chấp thuận hành vi đánh bản quyền video bộ phim hoạt hình Wolfoo "thiếu căn cứ từ phía EO". Đơn vị cũng đề nghị YouTube cùng Google tôn trọng, tuân theo pháp luật Việt Nam và nhanh chóng khôi phục hơn 3.000 video Wolfoo đã bị xóa khỏi nền tảng chia sẻ video này.
"Ngày 28/7/2023, YouTube chấp nhận các báo cáo vi phạm của EO, tiếp tục 'đánh gậy bản quyền' nhiều video Wolfoo trên nền tảng, đến nay có hơn 3.000 video bị xóa và chưa dừng lại ở đó. Các video nêu trên đều là đối tượng tranh chấp trong vụ án đang được thụ lý giải quyết, chưa có bất cứ tòa án nào ra quyết định ngăn chặn hay xóa bỏ video, do đó việc YouTube làm là trái quy định", đại diện Sconnect nhấn mạnh.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, từ tháng 9/2022, Sconnect Việt Nam đã có đơn khiếu nại gửi tới 4 bộ trưởng: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng thời Sconnect đã gửi đơn khiếu nại tới Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đề nghị: Các cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Sconnect đang bị doanh nghiệp nước ngoài xâm hại nghiêm trọng trên môi trường số, cụ thể là trên nền tảng YouTube.
Sau khi thụ lý vụ việc, xem xét kỹ lưỡng các hồ sơ và báo cáo của Sconnect, ba cơ quan là: Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử và Cục Bản quyền tác giả đã có văn bản gửi Google và YouTube, văn bản của VDCA và hai Cục đều có chung quan điểm: Đề nghị Google xem xét, xác minh kỹ lưỡng các vấn đề Sconnect đã nêu trong các báo cáo liên quan đến việc tranh chấp giữa hai bên đang diễn biến phức tạp và chưa có Tòa án nào có kết luận cuối cùng. Đề nghị YouTube khôi phục lại các video Wolfoo, các kênh YouTube của Sconnect bị xóa, bị khóa, bị chặn đăng tải nội dung mới cho đến khi có phán quyết chính thức của các Tòa án mà hai bên đang khởi kiện lẫn nhau. Cụ thể, Sconnect đang khởi kiện EO tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội; Ủy ban cạnh tranh quốc gia Việt Nam (3 vụ kiện) và EO đang khởi kiện Sconnect tại tòa án tại Vương quốc Anh (1 vụ kiện).
Theo báo cáo của Sconnect, sau khi VDCA và hai Cục lên tiếng, YouTube đã khôi phục lại một số video Wolfoo đang bị khóa, và mở lại quyền upload 19 kênh YouTube bị chặn của Sconnect, nhờ đó những khó khăn của Sconnect trên YouTube đã có những chuyển biến tích cực từ đầu năm 2023, hoạt động khai thác kinh doanh của Sconnect đang dần hồi phục.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 7, Sconnect tiếp tục phát hiện EO có hành vi lạm dụng quyền bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đánh gậy bản quyền trên YouTube với các video Wolfoo, đáng chú ý là Google/Youtube đã tiếp nhận và tiếp tục khóa quyền upload nhiều kênh YouTube và xóa các video Wolfoo đã được YouTube mở ra trước đây. Đây là các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Việt Nam, mặc dù Sconnect đã rất nỗ lực gửi thông tin tới Google/Youtube về quy định của Nghị định 17/2023/NĐ-CP, theo đó, Google/Youtube chỉ được xóa/gỡ bỏ video Wolfoo của Sconnect khi có bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án. Nhưng phía YouTube không có phản hồi và tiếp tục khóa kênh, xóa các video Wolfoo.
"Khung cảnh, bối cảnh trong video Wolfoo đều do nhân sự Sconnect tạo ra, âm thanh thu âm trực tiếp từ diễn viên lồng tiếng người Việt. Tất cả được tạo ra dựa trên nguyên liệu và nguyên tắc sáng tạo theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, việc EO báo cáo vi phạm bản quyền và YouTube chấp thuận, dẫn đến xóa bỏ là không có căn cứ và không hợp pháp", luật sư Phạm Văn Anh, Trưởng phòng Pháp chế của Sconnect khẳng định.
Theo ông, những âm thanh nói trên là thán từ, dễ dàng bắt gặp trong hội thoại đời thường và phổ biến trên toàn cầu. Những từ ngữ tạo nên âm thanh này không phải là thành phần quan trọng để tạo nên nội dung tác phẩm, không thuộc sở hữu của bất kỳ chủ thể nào và không là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Sconnect đã gửi văn bản tới Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đề nghị can thiệp vấn đề trên.