Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay (4/1) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành hôm nay có khả năng đi xuống theo giá xăng dầu thế giới.
Nếu cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể giảm từ 70-170 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có khả năng giảm từ 320-360 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giữ nguyên.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 28/12/2023), giá xăng dầu được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh theo hướng giữ nguyên giá xăng RON 95, giảm nhẹ giá xăng E5, còn giá dầu diesel tăng.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 10 đồng/lít, giá bán xuống mức 21.180 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giữ nguyên ở mức 22.140 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 260 đồng/lít, lên 19.780 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa giảm 40 đồng/lít, về mức 20.450 đồng/lít.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, giá xăng trong nước diễn biến theo quy luật thị trường và được điều chỉnh theo giá bình quân trong những ngày thuộc kỳ điều hành.
Trong một diễn biến mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 1437/CĐ- về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2024 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trước ngày 31/12/2023; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp bảo đảm chủ động.
"Tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội", công điện của Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính công bố, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước và theo đúng quy định pháp luật, tín hiệu thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trên thị trường thế giới, giá dầu WTI đạt 73,06 USD/thùng, tăng 0,11%. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 78,44 USD/thùng, tăng 3,36% vào lúc 6h42 ngày 4/1 theo giờ Việt Nam.
Giá dầu tăng sau khi Israel tăng cường ném bom Dải Gaza và sau cái chết của phó thủ lĩnh Hamas ở Beirut, Lebanon. Phía Israel vẫn chưa xác nhận hay phủ nhận trách nhiệm trong vụ sát hại phó thủ lĩnh Hamas này.
Trong khi đó, tại Biển Đỏ, lực lượng Houthi tiếp tục tấn công các tàu thuyền, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông và các tuyến đường thủy vận chuyển dầu quan trọng như Biển Đỏ và Vịnh Ba Tư sẽ phải đóng cửa.
Trong một cuộc khảo sát mới đây của Reuters, các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích dự đoán, giá dầu thô Brent trung bình ở mức 82,56 USD/thùng trong năm nay, tăng nhẹ so với mức trung bình 82,17 USD/thùng năm 2023, với tốc độ tăng trưởng toàn cầu yếu dự kiến sẽ hạn chế nhu cầu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị có thể hỗ trợ giá dầu.
Tại Trung Quốc, kỳ vọng của nhà đầu tư về các biện pháp kích thích kinh tế đã tăng lên sau khi hoạt động sản xuất của nước này giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 12. Các biện pháp này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu và hỗ trợ giá dầu thô.