Theo tờ Wall Street Journal, Apple từng đe dọa xóa Facebook khỏi App Store sau khi một báo cáo vào năm 2019 của BBC nêu chi tiết về cách những kẻ buôn người sử dụng Facebook để bán nạn nhân.
Wall Street Journal cũng đã đưa tin về việc trí tuệ nhân tạo (AI) được Facebook sử dụng để kiểm duyệt nội dung không thể nhận diện hầu hết các ngôn ngữ được dùng trên nền tảng này. Bên cạnh đó, ngay cả những người kiểm duyệt nội dung của Facebook cũng không biết hết các ngôn ngữ của một số quốc gia mà công ty mở rộng kinh doanh. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc Facebook giám sát nội dung ở các thị trường nước ngoài, những nơi không sử dụng các ngôn ngữ phổ biến.
Các băng đảng buôn bán ma túy và những kẻ buôn người có thể sử dụng Facebook để tiến hành hoạt động kinh doanh tại chính những thị trường mà Facebook nơi lỏng việc kiểm duyệt nội dung.
Theo tài liệu, đội ngũ kiểm duyệt và nhà thầu bên thứ ba của Facebook đã dành hơn 3,2 triệu giờ để tìm kiếm, dán nhãn hoặc gỡ bỏ thông tin mà công ty kết luận là sai lệch hoặc gây hiểu nhầm. Tuy nhiên, chỉ 13% số giờ đó là dành cho thị trường bên ngoài Mỹ. Trong quỹ thời gian ít ỏi này, họ cũng chủ yếu tập trung vào vấn đề "an toàn thương hiệu", như đảm bảo quảng cáo không xuất hiện cùng với nội dung mà nhà quảng cáo có thể cảm thấy bị cạnh tranh.
Trước khả năng kiểm duyệt kém, Apple xếp ứng dụng Facebook vào danh sách mối đe dọa gây ra "hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với hoạt động kinh doanh" và cân nhắc xóa ứng dụng khỏi App Store. Tuy nhiên, cuối cùng Apple đã không làm điều này.
Theo báo cáo, sau lời cảnh cáo của Apple, Facebook đã thực hiện một đợt quét máy chủ để tìm nội dung vi phạm. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện hơn 300.000 trường hợp vi phạm tiềm ẩn và vô hiệu hóa hơn 1.000 tài khoản. Nhóm cũng trì hoãn một số dự án để loại bỏ triệt để các nội dung về nạn buôn người và đưa ra chính sách hoạt động hiệu quả hơn. Cuối năm 2020, sau ba tháng Facebook điều tra, hàng chục mạng lưới bị nghi ngờ về buôn người đã bị ngừng hoạt động.
WSJ cũng lưu ý rằng nhóm điều tra của Facebook đã dành hơn 1 năm để ghi lại tình trạng buôn bán nô lệ đang bùng nổ ở Trung Đông, tất cả đều diễn ra trên các ứng dụng của chính họ - cụ thể là ứng dụng Facebook và Instagram.
Họ phát hiện ra những kẻ phạm tội đã chia sẻ ảnh, mô tả kỹ năng và chi tiết cá nhân của nạn nhân, cùng với một hashtag đặc biệt để người mua biết có nghĩa là họ đang tìm người bán dâm.
Theo báo cáo của WSJ, Facebook bị phát hiện đã xóa một số trang, nhưng điều này chỉ xảy ra sau khi Apple đe dọa xóa họ khỏi App Store.