Trước thềm lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam vào chiều ngày 7 tháng 10 tại Trụ sở VCCI, Hà Nội.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn và xem xét các vấn đề về pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới công tác phòng chống dịch COVID-19, cũng như chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Trong phát biểu kết luận cuộc làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam chiều ngày 7 tháng 10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: tại Hội nghị Trung ương lần thứ Tư, Trung ương đã thống nhất sẽ xem xét điều chỉnh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý và thời điểm phù hợp, phối hợp chặt chẽ hai chính sách này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, kích thích kinh tế phục hồi và phát triển.
Tổng hợp và ghi nhận12 ý kiến của doanh nhân đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ở các điểm cầu trong toàn quốc phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá rất cao ý kiến tâm huyết, thiết thực, xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cuộc sống. Đồng thời chia sẻ sâu sắc với những thiệt hại to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, sự mất mát cả về tài sản và tính mạng của người dân do tác động của đại dịch Covid – 19.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII vừa bế mạc, Trung ương đã bàn thảo hết sức kỹ lưỡng, đậm nét về vấn đề này. Trung ương ghi nhận và biểu dương sự đoàn kết, cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng tuyến đầu, trong đó có đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân. 6 tháng đầu năm vẫn giữ được tăng trưởng 5,64%, quý III giảm sâu nhưng dự kiến cả năm sẽ vẫn duy trì được tăng trưởng dương, các cân đối lớn cơ bản được giữ vững, xuất khẩu 9 tháng tăng 24%... Theo Chủ tịch Quốc hội, giai đoạn này là lúc thử thách bản lĩnh của doanh nghiệp, doanh nhân, mong muốn cộng đồng doanh nghiệp “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, tiếp tục có những bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới”.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao vai trò, vị thế hết sức quan trọng của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Vị thế này không chỉ được Đảng, Nhà nước, xã hội công nhận mà còn được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và các văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng, nhất là từ Đại hội XI đến nay.
Về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hệ thống pháp luật đã được cải thiện nhiều, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, thể hiện thực chất hơn quyền tự do kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, minh bạch về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Trong 10 năm (2011 – 2021), kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09/NQ-TW về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 hiến định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua 72 luật, pháp lệnh, nghị quyết về đầu tư, kinh doanh. Nhờ đó, hệ thống pháp luật về sở hữu, về quyền tự do kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, là cơ sở để phát triển đồng bộ và vận hành thông suốt, lành mạnh các thị trường, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội cũng “đặt hàng” VCCI và cộng đồng doanh nghiệp hiến kế cho Quốc hội về chiến lược tổng thể phục hồi và phát triển nền kinh tế. Tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII vừa bế mạc, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất sẽ xem xét điều chỉnh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý và thời điểm phù hợp, phối hợp chặt chẽ hai chính sách này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, kích thích kinh tế phục hồi, phát triển.
Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ làm việc cụ thể về vấn đề này. Ngay trong tuần tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ làm việc với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để rà soát, xem xét cụ thể việc sử dụng các công cụ chính sách này.
Trao đổi cụ thể với đề xuất của các doanh nhân về việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó Covid-19, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “điều quan trọng để bảo đảm an toàn nợ công là tỷ lệ chi trả nợ, tức là tổng chi trả nợ hàng năm không được vượt quá 25% tổng số thu ngân sách nhà nước. Trần nợ công chỉ là một phần. Phải tính toán cả về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Thống nhất phải có gói chính sách này trên tinh thần chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đóng góp nhiều hơn cho việc tái thiết, phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân”.
Về chiến lược thích ứng an toàn với đại dịch, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, đặc biệt là tại Hội nghị Trung ương lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định quan điểm thích ứng an toàn, nới lỏng dần các hoạt động để trở lại trạng thái bình thường mới trên cơ sở điều kiện tiên quyết là phải bao phủ được vaccine.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị VCCI nghiên cứu về xu hướng kinh doanh thời hậu Covid – 19 như thế nào? Tận dụng cơ hội từ Covid – 19 ra sao? Cách thức để vượt qua những rủi ro pháp lý hậu đại dịch, những ngành, lĩnh vực nào có thể bứt phá được sau đại dịch… để đóng góp ý kiến cho Quốc hội trong quá trình xem xét, quyết định về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2026 tại Kỳ họp thứ 2 tới và chuẩn bị cho việc tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên đầu tiên vào đầu năm 2022 để bàn về thích ứng với đại dịch và phục hồi kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị việc ban hành một kết luận về định hướng xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Theo đó, một danh mục được xác định với 135 luật, pháp lệnh cần được rà soát, đánh giá, hoàn thiện. Các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến việc hoàn thiện thể chế cũng đều đã được chỉ rõ trong danh mục kể trên và có lộ trình thực hiện kèm theo.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị VCCI cải tiến, đổi mới công tác lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Nếu chỉ đăng tải lên để tự doanh nghiệp vào đóng góp ý kiến là rất khó, phải ngồi lại với nhau, bàn cho ra nhẽ thì mới hiệu quả được. Sau khi dự luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, các cơ quan của Quốc hội cũng cần tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung giải trình, tiếp thu cho thật thấu đáo, kỹ lưỡng. Quốc hội cũng sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật và công tác tổ chức thực thi luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội và Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, doanh nhân để làm căn cứ thực tiễn trong các chính sách của Quốc hội trong thời gian tới, đồng thời cũng là mục tiêu của Quốc hội hướng tới “Nghị quyết và Chính sách phải mang hơi thở của cuộc sống và đổi mới vì lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp”.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những đóng góp quan trọng của VCCI và giới doanh nhân Việt Nam trong thời gian qua.
Phát biểu đáp từ tại Hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, trong thời điểm các doanh nghiệp còn khó khăn do COVID-19 và nhân dịp kỉ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được những chỉ đạo, định hướng cụ thể từ Chủ tịch Quốc hội; cũng như lắng nghe những tâm tư, tình cảm, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch VCCI cho biết, Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm trong xây dựng pháp luật; cũng như ghi nhận doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm.
Thay mặt VCCI và giới doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch VCCI cho biết sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo cũng như những gợi ý quan trọng của Chủ tịch Quốc hội. “VCCI xin hứa sẽ quyết tâm thực hiện những chỉ đạo từ Chủ tịch Quốc hội, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn để chiến thắng đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi kinh tế của đất nước”.
Chủ tịch VCCI cũng cam kết, VCCI sẽ phát huy trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện những “đặt hàng” đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội, vì đây không chỉ là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp, mà còn là cơ hội để Việt Nam bứt phá vươn lên sau khi khắc phục và khống chế COVID-19.
Thay mặt giới doanh nghiệp doanh nhân, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã gửi tặng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một bức tranh lịch sử về Bác Hồ gặp gỡ giới doanh nhân Việt Nam.