Ngày 16/6, Ngân hàng Hàng Hải (MSB) phát đi thông báo về cảnh báo lừa đảo trên không gian mạng. Trong đó, các nhóm lừa đảo sử dụng công nghệ deepfake (giả hình ảnh và giọng nói) để giả mạo cán bộ cơ quan nhà nước như công an, cơ quan thuế, tòa án hoặc người quen của nạn nhân để gọi video call (cuộc gọi trực tiếp thấy bằng hình ảnh) với nạn nhân. Sau đó, những người này sẽ ghi lại video và sử dụng để mở tài khoản online (eKYC) tại các tổ chức tài chính, ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, hồi đầu tháng 6, nhiều ngân hàng khác cũng đã có khuyến cáo người dùng cần cảnh giác với các nhóm lừa đảo sử dụng tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo và công nghệ deepfake để tạo ra các video giả mạo và lừa nạn nhân chuyển tiền.
Khi gọi video call, kẻ gian bằng các thủ đoạn khác nhau sẽ yêu cầu nạn nhân nhìn thẳng, nhìn sang trái, nhìn sang phải, nhìn lên, nhìn xuống. Đối tượng sẽ ghi lại video và sử dụng để mở tài khoản online (eKYC) tại các tổ chức tài chính - ngân hàng. Trong một số trường hợp, kẻ gian yêu cầu nạn nhân cung cấp thêm các thông tin cá nhân như số CMT/CCCD, số điện thoại, địa chỉ …
Khách hàng vô tình thực hiện theo các yêu cầu này đã gián tiếp giúp đối tượng có dữ liệu để đăng ký mở tài khoản thành công. Cuối cùng, kẻ gian sẽ sử dụng các tài khoản này với mục đích xấu.
Từ đó, các đối sử dụng tài khoản mạng xã hội giả mạo hoặc chiếm đoạt được để nhắn tin mượn tiền hay nhờ chuyển tiền hoặc thông báo người thân của nạn nhân gặp nguy hiểm nhằm yêu cầu chuyển tiền gấp…; đồng thời thực hiện cuộc gọi video mạo danh, phát video giả nhằm xác thực thông tin, tăng độ tin cậy để lừa nạn nhân chuyển tiền.
Bộ Công an cho biết, dấu hiệu để nhận biết các cuộc gọi mà có sử dụng công nghệ deepfake đó là âm thanh, hình ảnh không rõ nét, tín hiệu chập chờn, thời lượng ngắn. Ngoài ra, nội dung trả lời không trực tiếp vào câu hỏi của người nhận cuộc gọi hoặc không phù hợp với ngữ cảnh.
Đơn vị này đưa ra khuyến cáo là người dân hạn chế chia sẻ hình ảnh, video có giọng nói thật, thông tin lên mạng xã hội; cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn hỏi vay mượn tiền; kiểm tra kỹ thông tin tài khoản nhận tiền bằng cách gọi điện trực tiếp vào số điện thoại của người liên hệ để xác minh.
Không làm theo hướng dẫn của người lạ; không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho đối tượng không quen biết; không được mua bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân, tài khoản cá nhân; không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử đến từ người gửi không xác định.
Các chuyên gia an ninh khuyến nghị, người dùng cần để ý kỹ đường dẫn (link) website ngân hàng vì nếu giả mạo thì trong tin nhắn luôn có thêm những ký tự khác so với tên miền của ngân hàng. Nếu nghi ngờ bị lừa đảo thì người dân nên liên hệ qua hotline 24/7 của các ngân hàng hoặc đến chi nhánh hoặc phòng giao dịch gần nhất để được hỗ trợ.
Khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân phản ánh tới đầu số 156 thông qua 2 hình thức: gửi tin nhắn hoặc gọi điện tới đầu số 156.