Ủy ban châu Âu (EC) hôm qua (15/6) thông báo, khởi kiện tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ Google do vi phạm luật cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Theo giới chức EU, Google đã lạm dụng vị thế thống trị của mình trên thị trường quảng cáo để gây khó dễ cho các đối thủ cạnh tranh.
Phát biểu trong phiên họp báo, Phó chủ tịch Uỷ ban châu Âu phụ trách chính sách kỹ thuật số và cạnh tranh - bà Margrethe Vestager cho biết, theo một cuộc điều tra được tiến hành từ tháng 6/2021, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ Google đã hiện diện ở nhiều mắt xích quan trọng trong chuỗi ứng dụng công nghệ quảng cáo trực tuyến.
EC đã đưa ra khuyến nghị Google bán bớt các dịch vụ quảng cáo để đảm bảo cạnh tranh công bằng.
Đây là nội dung kết luận sơ bộ từ EC - cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU)- sau 2 năm tiến hành cuộc điều tra chống độc quyền. EC đã đề nghị Google phản hồi về kết luận sơ bộ trước khi cơ quan này đưa ra kết luận chính thức. Nếu kết luận này được giữ nguyên, EC có thể áp mức phạt tối đa 10% doanh thu toàn cầu của Google.
Kết quả điều tra ban đầu cũng cho thấy, Google đã lạm dụng vị trí thống trị trên thị trường để kiểm soát thị trường mua bán quảng cáo trực tuyến. Mạng quảng cáo của Google như AdX hay Doubleclick vừa giúp các trang web bán không gian quảng cáo, vừa giúp các nhà quảng cáo chiếm những không gian này, đồng thời ngăn cản đối thủ cạnh tranh, gây tổn hại lợi ích của nhà sản xuất nội dung và làm gia tăng chi phí quảng cáo. Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager cho biết đã gửi đơn kiện đến Google.
“EC đã chuyển đơn kiện đến tập đoàn Google. Chúng tôi lo ngại Google đã cố tình vi phạm luật cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, hay còn được gọi là quảng cáo công nghệ Adtech”, bà Margrethe Vestager nói.
Theo đó, từ năm 2014, Google đã lạm dụng ưu thế trên không gian trực tuyến nhờ cùng lúc sở hữu nhiều dịch vụ liên quan quảng cáo trực tuyến, từ máy chủ quảng cáo DFP đến các công cụ mua quảng cáo Google Ads và DV360, từ đó dành ưu tiên đặc biệt cho mạng giao dịch quảng cáo AdX của mình.
Cơ quan cạnh tranh EU cho rằng chỉ điều chỉnh hành vi sẽ không có tác dụng ngăn chặn các thói quen phi cạnh tranh. Trước đó, 3 tháng sau khi cơ quan quản lý của EU mở cuộc điều tra, Google đã tìm cách dàn xếp vụ việc. Tuy nhiên, các nhà quản lý ngày càng nhận thấy tốc độ cải thiện hành vi phi cạnh tranh rất chậm và thiếu nhượng bộ đáng kể. Đến nay, quan điểm của EC là Google phải rút vốn khỏi một số dịch vụ quảng cáo.
Đơn kiện của EC được đánh giá là khởi đầu cho một tiến trình pháp lý có thể kéo dài nhiều, năm giữa cơ quan này với Google. Trong trường hợp xấu nhất, tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ buộc phải bán lại một phần đế chế công nghệ quảng cáo cùng khoản tiền phạt có thể lên tới hàng tỷ USD.
Phản ứng trước quyết định trên, ông Dan Taylor, Phó Chủ tịch mảng Quảng cáo toàn cầu của Google cho biết, sẽ đáp trả cáo buộc, đồng thời cho rằng cuộc điều tra của EC mới chỉ tập trung vào một phương diện hẹp trong hoạt động quảng cáo và không phải là điều gì mới.
Đây là lần thứ tư Google bị buộc tội vi phạm luật chống độc quyền của EU. Gần đây nhất, năm 2022, tập đoàn công nghệ Mỹ đã bị yêu cầu nộp phạt 4,1 tỷ euro vì lạm dụng vị trí thống lĩnh trong hệ điều hành Android của chính mình. Trong quý I/2023, hoạt động bán quảng cáo trực tuyến chiếm 14% doanh thu quảng cáo của tập đoàn này.
Theo công ty nghiên cứu Insider Intelligence, với 28% thị phần doanh thu quảng cáo toàn cầu, Google là nền tảng quảng cáo trực tuyến có ưu thế lớn nhất thế giới. Doanh thu quảng cáo năm 2022 của Google, trong đó bao gồm doanh thu từ dịch vụ tìm kiếm, Gmail, Google Play, Google Maps, YouTube adverts, Google Ad Manager, AdMob và AdSense, lên tới 224,5 tỉ USD, chiếm 70% tổng doanh thu của hãng.