Trước bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang trở nên căng thẳng, hiện đang có làn sóng dịch chuyển các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong đó, miền Bắc và Hà Nội là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư. Việc đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam cũng là dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích, đưa ra những điểm mạnh và những hạn chế của Hà Nội trong thời gian qua cũng như đưa ra nhiều hướng khắc phục để chủ động hơn nữa trong công tác thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, có sức ảnh hưởng vào Việt Nam.
iPhone là thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, nhưng những chiếc điện thoại thông minh này được sản xuất, lắp ráp chủ yếu tại Trung Quốc. Hầu hết các nhà máy trọng yếu hợp tác với Apple tại Trung Quốc là của Foxconn và Pegatron. Tại Foxconn đã sản xuất ra gần một nửa lượng iPhone trên toàn thế giới. Vào thời kỳ cao điểm, lượng công nhân lên đến 350.000 người làm việc mới đủ đáp ứng nhu cầu từ phía Apple. Số lượng công nhân khổng lồ cùng mức lương rẻ là lý do tại sao nhà máy tại Trung Quốc được chọn để sản xuất, lắp ráp iPhone chứ không phải Mỹ.
Một chuỗi cung ứng khác cho Apple là Pegatron - nhà máy đặt tại ngoại ô Thượng Hải cho biết tổng diện tích nhà xưởng gần bằng 90 sân bóng đá cộng lại, là nơi làm việc của khoảng 50.000 công nhân. Nhà máy cũng bố trí không gian sân vườn gồm bãi cỏ, hồ cá koi, khu vực phục vụ ăn uống tự động ngoài trời hay như trạm xe bus đưa đón công nhân.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam được xem là một quốc gia có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc, tuy nhiên, giá nhân công và các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam đang được đánh giá phần nào tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp FDI Nhật Bản, Hàn Quốc,… đang đầu tư mạnh vào mảng điện tử, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam ở một số tỉnh thành: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên,… tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh phát triển, tiếp nhận nhiều làn sóng mới, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực công nghệ cao.