Theo tờ Nikkei Asian Review, hàng loạt các thương hiệu từ Samsung đến Ford đang chứng kiến sự gia tăng hàng tồn kho vì nhu cầu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát đi lên. Điều này làm dấy lên lo ngại các doanh nghiệp sẽ buộc phải điều chỉnh sản lượng và dẫn đến suy thoái kinh tế.
Số liệu của Nikkei cho thấy tổng số hàng tồn kho của 2.349 doanh nghiệp sản xuất niêm yết trên toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 1,87 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 3/2022. Con số này là cao hơn 97 tỷ USD so với chỉ 3 tháng trước đó. Đây cũng là mức tồn kho cao kỷ lục kể từ khi số liệu trên bắt đầu được thu thập 10 năm qua.
Tờ Nikkei nhận định hiện tượng tồn kho kỷ lục hiện nay một phần là do chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến các doanh nghiệp khó đưa hàng vào lưu thông.
Trong khi đó một số công ty thì lại muốn tích trữ nhằm phòng chống rủi ro thiếu hàng khi sản xuất. Nhiều doanh nghiệp khác thì dự đoán nhu cầu sẽ gia tăng khi nền kinh tế mở cửa trở lại hậu đại dịch nên đã đặt cược ván bài may rủi bằng việc tích trữ hàng.
Trớ trêu thay dù thị trường đã mở cửa trở lại nhưng nhu cầu tiêu dùng thì không bùng nổ được như dự đoán do ảnh hưởng từ lạm phát cũng như bất ổn kinh tế. Hệ quả là lượng tồn kho nhiều có thể khiến các doanh nghiệp giảm sản lượng và tác động lan rộng ra toàn nền kinh tế.
Theo tờ Nikkei, sức mua giảm được thể hiện cực kỳ rõ trong mảng thiết bị điện tử như smartphones hay máy tính cá nhân. Sự gia tăng của lạm phát cũng như bất ổn của nền kinh tế khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, gia tăng tiết kiệm nhiều hơn. Dù mức tồn kho gia tăng trong cả 12 ngành nhưng 3 ngành thiết bị điện tử, xe hơi và máy móc chiếm đến 61% tổng số hàng tồn kho.
Trong số tất cả các công ty được đề cập trong phân tích, Samsung Electronics ghi nhận mức tăng trưởng hàng tồn kho lớn nhất tính theo giá trị là 4,4 tỷ USD hay tăng 13% so với quý trước lên 39,2 tỷ USD. Trong số đó, 2,5 tỷ USD là do nguyên liệu thô tăng. Samsung đã báo cáo doanh số bán hàng không đổi trong quý đầu tiên, so với quý trước đó. Samsung đã bị gián đoạn vào tháng 4 trong việc mua nguyên liệu thô để sản xuất bộ nhớ và dự định tích trữ hàng tồn kho để tránh những vấn đề như vậy tiếp tục xảy ra.
Tại nhà sản xuất máy tính Đài Loan Asus, doanh số bán hàng giảm 9% trong khi hàng tồn kho tăng 18%, do nguyên liệu và thành phẩm đều tăng khoảng 500 triệu USD. Asus đã tăng dự trữ vật liệu điện tử, nhưng doanh số bán hàng ở châu Âu cũng chậm lại do xung đột ở Ukraine. Công ty này dự định giữ mức tồn kho hiện tại.
Trong ngành công nghiệp ô tô, mức tồn kho tăng 14,8 tỷ USD, tương đương 6%, lên 273 tỷ USD, do Ford Motor bị sụt giảm doanh số 8% và lượng hàng tồn kho tăng 21% lên 14,6 tỷ USD, cao nhất trong 25 năm. Có tới 53.000 phương tiện bị bỏ dở do thiếu các bộ phận. Ford cho biết, việc tích tụ hàng tồn kho đang đè nặng lên dòng tiền của công ty.
Tại Mercedes-Benz, cổ phiếu tăng 9%. Nhà sản xuất ô tô Đức đã chứng kiến sự gia tăng các sản phẩm dở dang một phần do thiếu các bộ phận và cũng do các vấn đề vận chuyển trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine.
Về mặt tích cực, hàng tồn kho cao trên toàn thế giới được cho là sẽ không sớm dẫn đến tình trạng khủng hoảng tiền mặt nghiêm trọng. Lượng tiền mặt mà 2.349 công ty nắm giữ ở mức 2,2 nghìn tỷ đôla vào cuối tháng 3, gấp 2,3 lần doanh thu hàng tháng của họ. Samsung tự hào rằng họ đang nắm giữ 100 tỷ USD tiền mặt, hoặc tương đương với doanh số bán hàng trong 5 tháng. Toyota Motor có 44,19 tỷ USD tiền mặt, trị giá 2,3 tháng bán hàng.
Mặc dù vậy Nikkei vẫn cảnh báo bởi chỉ số quản lý sức mua (PMI) tháng 6/2022 tại Mỹ và Châu Âu đều giảm xuống quanh ngưỡng 50 điểm, vốn là ranh giới giữa sự mở rộng và co hẹp của thị trường. Tại Trung Quốc, chỉ số PMI đã ở dưới ngưỡng 50 điểm 3 tháng liên tiếp tính đến tháng 5/2022.