Theo TheVerge, Huawei đang lên kế hoạch sa thải lao động tại một công ty con có tên Futurewei Technologies, nơi điều hành một số phòng thí nghiệm nghiên cứu. Công ty này chuyên về lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, quy tụ khoảng 850 người làm việc trong các phòng thí nghiệm trên khắp nước Mỹ.
Tổng cộng, Huawei có khoảng 1.500 nhân viên tại Mỹ, chủ yếu làm công việc bán thiết bị cho các nhà mạng ở khu vực nông thôn.
Hiện chưa rõ số nhân viên bị sa thải sẽ là bao nhiêu, nhưng nguồn tin nói hàng trăm nhân viên Huawei sẽ mất việc làm trong kế hoạch này.
Huawei sẽ gửi thông báo cho phép một số nhân viên Trung Quốc có thể ở lại công ty, nhưng phải chuyển về làm việc tại nước nhà. Trong khi đó, một số nhân viên dường như đã được thông báo rằng họ sẽ bị cho nghỉ việc, với kế hoạch sa thải khác diễn ra trong tương lai gần.
Được biết hồi tháng 5.2019, Nhà Trắng ban hành một mệnh lệnh hành pháp cho phép Bộ trưởng Thương mại Mỹ ngăn chặn các công ty Mỹ bán sản phẩm cho các công ty được chỉ định gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Kết quả, Huawei không còn có thể mua một số bộ phận và phần mềm mà họ cần cho các sản phẩm của mình.
Tuần qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết Washington sẽ cấp phép cho các công ty bán sản phẩm cho Huawei nếu chúng không gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các đồng minh cấm mua thiết bị của Huawei để xây dựng mạng 5G vì lo ngại vấn đề bảo mật. Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi dự đoán lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến tập đoàn này mất 30 tỉ USD doanh thu trong vòng 2 năm tới.
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ thông báo đưa Huawei vào danh sách đen, các nhân viên của Futurewei Technologies đã phải đối mặt với những hạn chế khi liên lạc với đồng nghiệp của họ tại Trung Quốc.
Huawei đã ngừng bán bộ biến tần năng lượng mặt trời ở Mỹ sau khi các nghị sĩ Washington cảnh báo chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng chúng để làm gián điệp.
Trong khi đó, các nhà đàm phán của Tổng thống Trump đã đánh tiếng một thỏa thuận thương mại hậu Brexit xuyên Đại Tây Dương tiềm tàng sẽ phụ thuộc vào việc liệu tân Thủ tướng Anh có sẵn sàng tuân thủ chính sách của Mỹ đối với Huawei hay không.
Báo The Telegraph hôm 14-7 cho biết Anh có thể ủng hộ các chính sách cứng rắn này của Mỹ vì nếu từ chối, nỗ lực của Washington đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể bị suy yếu.
Trong khi các công ty bao gồm Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thuỵ Điển) từ chối bình luận với The Telegraph, một phát ngôn viên của Vodafone (Anh) cho biết: "Chúng tôi rất coi trọng vấn đề bảo mật. Bất kỳ quyết định nào cũng không nên được đưa ra một cách vội vàng nhưng cứ làm theo cách tiếp cận đánh giá rủi ro dựa trên thực tế".
Mặc dù có vẻ như Huawei có thể sẽ được nới lỏng một chút sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ vào tháng trước, nhưng chính quyền Mỹ đã chỉ ra rằng mọi thứ có thể sẽ không thay đổi cho đến khi hai nước giải quyết sự khác biệt của họ.