Trước khi xảy ra dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt thường coi trọng hoạt động xuất khẩu hơn chú trọng đến thị trường nội địa. Nguyên nhân là xuất khẩu mang lại nguồn thu rất lớn mà doanh nghiệp không phải mất nhiều công sức để xây dựng mạng lưới phân phối và tiêu thụ. Tuy nhiên, hai năm gần đây, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến thị phần xuất khẩu giảm sút, việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước gặp nhiều khó khăn hơn. Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp Việt đã bắt đầu thay đổi chiến lược, hướng đến phủ sóng thị trường tiêu thụ nội địa khi nhận thấy tiềm năng to lớn từ thị trường với hơn 90 triệu dân nên. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt đang có xu hướng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu sản xuất trong nước hơn. Các chuyên gia kinh tế nhận định, điều này sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho hàng Việt Nam phủ sóng tại thị trường trong nước.
Là một trong những đơn vị đóng vai trò quan trọng với thành công của Cuộc vận động, trong hơn 10 năm qua, Bộ Công Thương đã luôn đồng hành với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vận động mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội ưu tiên dùng hàng Việt Nam và tích cực đầu tư, sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với cơ quan đầu mối là Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Bộ Công Thương với vai trò là đơn vị nòng cốt đã có nhiều Chương trình, Đề án hưởng ứng Cuộc vận động, qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam.
Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, bên cạnh việc từng bước chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Có thể nói, việc triển khai các Chương trình, Đề án cùng với các hoạt động kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng hàng nội địa để thực hiện Cuộc vận động đã góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng năm, giúp phát triển thị trường trong nước. Từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.
Theo đánh giá chung từ các doanh nghiệp bán lẻ trên các địa bàn tỉnh, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ngoài kiểu dáng, độ bền, giá thành rẻ, đa phần đều hướng tới sự an toàn cho sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch bệnh lan rộng. Nắm bắt tâm lý này, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, thay đổi phương thức kinh doanh, nhanh chóng đưa ra thị trường nhiều mặt hàng có giá thành vừa phải, bảo đảm chất lượng, tiện ích, đưa hàng nội địa phủ sóng rộng khắp từ các chợ truyền thống, đến các siêu thị, của hàng tiện ích và cả trên các trang thương mại điện tử. Hiện hàng Việt đang chiếm hơn 80% các kênh phân phối, bán lẻ, siêu thị trên địa bàn tỉnh, trong đó, tại các siêu thị lớn như Go! Vĩnh Phúc, Co.opmart Vĩnh Phúc… số lượng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất chiếm tới hơn 95% trên kệ hàng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, từ khâu lưu thông, vận chuyển đến phân phối, từ trong thị trường nội địa đến các cửa khẩu đều gặp không ít khó khăn, vướng mắc, việc thúc đẩy phát triển thị trường nội địa gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, tháng 5/2021, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị 03 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra là: Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt sản xuất hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá phù hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh phân phối hiện đại…