Ngành Chế biến chế tạo ghi nhận các chỉ số thấp kỷ lục trong tháng 3
GDP trong Quý 1 năm nay của khu vực Công nghiệp và Xây dựng chỉ tăng 5,15% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với con số 9,00% của Quý 1 năm 2019. Động lực quan trọng của GDP là nhóm ngành Chế biến chế tạo (CBCT) chỉ tăng 7,12% so với cùng kỳ, thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Chỉ số Quản trị người mua hàng PMI giảm mạnh từ 49,0 trong tháng 2 xuống 41,9 điểm trong tháng 3 giữa bối cảnh các nhà sản xuất nội địa đang đối diện với cả khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng lẫn sự thiếu hụt các đơn hàng mới khi nhu cầu toàn cầu yếu đi.
Các hãng ô tô dừng sản xuất từ cuối tháng 3
Ford thông báo tạm dừng sản xuất tại Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam từ 26/3/2020. Tiếp đó, các hãng ô tô khác như Nissan, Toyota, Vinfast, TC Motor và Honda lần lượt tạm dừng nhà máy và đóng cửa các đại lý bán hàng kể từ 30/3 do thị trường nội địa trầm lắng cũng như chính sách giãn cách xã hội toàn quốc bắt đầu thực thi. Báo cáo tháng 3 của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy tiêu thụ của thị trường nội địa Quý 1 năm nay sụt giảm 33% so với cùng kỳ trong khi tồn kho của các hãng tăng 122% so với cùng kỳ vào cuối tháng 3. Cho đến thời điểm này, chúng tôi nhận thấy ô tô là ngành sản xuất duy nhất công bố đóng cửa hầu hết các nhà máy tại Việt Nam.
Samsung Việt Nam: 1 nhân viên dương tính.
Công ty buộc phải đóng cửa 1 số phòng ban vào ngày 13/4/2020. Samsung Display Vietnam thông báo phải đóng cửa 1 số phòng ban tại nhà máy ở Bắc Ninh khi một nhân viên của công ty này được xác nhận mắc Covid-19. Các bộ phận còn lại của công ty này hay các nhà máy khác của Samsung vẫn hoạt động bình thường. Samsung Việt Nam ước tính giá trị xuất khẩu năm 2020 có thể sụt giảm 12% so với cùng kỳ còn 45,5 tỷ USD do nhu cầu thế giới chậm lại.
Các ngành xuất khẩu chủ lực đối diện với nhiều khó khăn từ Quý 2 năm nay
Giá trị xuất khẩu Quý I năm nay tăng 7,5% sv cùng kỳ (so với 5,2% trong Quý I năm 2019) tuy nhiên nhiều công ty đối diện với việc thiếu hụt đơn hàng mới trong các quý tiếp theo. Theo Bộ Công thương (MoIT), những ngành xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, đồ gỗ có thể sụt giảm sản lượng đến 70% trong quý 2 so với quý I do sự cắt giảm đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ đang trong giai đoạn phong tỏa do Covid-19.
Nhưng vẫn còn đó những điểm sáng.
Thuốc và hóa dược là điểm sáng trong ngành CBCT khi ghi nhận sản lượng tiêu thụ Quý I năm nay tăng 27,3% so với cùng kỳ, bên cạnh đó là các sản phẩm than cốc và hóa dầu tăng 24,7% so với cùng kỳ. Trái ngược với ngành may mặc, các công ty dệt có tình hình tích cực hơn với tăng trưởng sản lượng tiêu thụ 13,0% trong Quý I - 2020. Với việc 60% vải nguyên liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, việc các nhà máy của nước này phải đóng cửa trong Quý I khiến nhu cầu vải nguồn gốc trong nước tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Ngoài ra, nhu cầu khẩu trang tăng đột biến khiến cho mặt hàng vải không dệt để sản xuất sản phẩm này cũng được tiêu thụ mạnh. PMI giảm xuống mức thấp kỷ lục trong khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.