Từ đầu năm 2021 đến nay, những đợt tiêm phòng vaccine Covid -19 được triển khai rộng hơn ở nước ta và trên quy mô toàn cầu khiến sự kỳ vọng cũng như các hoạt động kinh tế xã hội phục hồi mạnh mẽ. Dự đoán 2021 sẽ là năm tăng nhanh về nhu cầu dịch vụ hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu... Ở Việt Nam theo thống kê quý I/2021, chỉ số bán buôn và bán lẻ tăng 6,45%.
“Năm 2020, giá xăng dầu thế giới đã chạm đáy, sẽ tăng mạnh trong năm nay cùng với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, OPEC và các nước đồng minh có kế hoạch khai thác sản lượng thấp hơn nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Giá xăng dầu tăng sẽ làm lạm phát tăng theo”, bà Vũ Thu Oanh, vụ trưởng Vụ Thống kê giá, cho biết trong buổi họp báo Thống kê kinh tế xã hội quý I/2021 do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 29/3.
“Áp lực kiểm soát lạm phát đối với nền kinh tế nước ta từ nay đến cuối năm không hề nhỏ”, bà Thu Oanh nhấn mạnh.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, giá dầu trong quý I đã lên đến 60 USD/1 thùng, tăng 20% so với quý I năm 2020. Ở Việt Nam, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu điều chỉnh 5 lần, cụ thể: xăng A95 tăng 2570 đồng/1L; xăng E5 tăng 2340 đồng/1lít, dầu diezen tăng 1870đ/1lít. So với tháng 12/2020, giá xăng dầu đã tăng 11% trong quý I.
Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu xăng dầu. Tỷ lệ nhập khẩu cao gấp 2 lần xuất khẩu. Nhập khẩu 772 triệu USD, xuất khẩu 384 triệu USD trong quý I. Giá cả của các mặt hàng sẽ chịu ảnh hưởng của giá nhập khẩu.
“Giá xăng dầu thế giới tăng sẽ tác động đến sản xuất tiêu dùng trong nước và kéo theo sự biến động giá cả của các mặt hàng”, bà Thu Oanh nói: “Lạm phát sẽ theo đó tăng lên”.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Grand bình quân năm 2021 tăng khoảng 40% so với 2020. Dự báo, giá xăng dầu trong nước tăng khoảng 25% gây tác động đến chỉ số tiêu dùng (CPI) năm 2021 tăng khoảng 0,9%.
Thêm vào đó, trong thời gian qua Chính phủ và các ngân hàng trung ương đã “bơm” ra hàng tỷ USD để phòng chống dịch Covid – 19, cùng với các chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ là nguyên nhân gây thêm lạm phát năm 2021.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê đề cập đến việc ngày 12/3, Mỹ bắt đầu triển khai gói cứu trợ khổng lồ trị giá 1900 tỷ USD để giảm thiểu tác động của dịch Covid -19. Đây là một trong những đợt chi ngân sách kích thích tăng trưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ sẽ khiến nhu cầu hàng hóa tăng lên kéo theo tiêu dùng và lạm phát.
“Việc Chính phủ Việt Nam chuẩn bị tăng giá dịch vụ ở các ngành giáo dục, y tế... sẽ tác động đến CPI và làm tăng lạm phát”, bà Thu Oanh đề xuất khuyến nghị: “Tăng vào tháng 4 là quá sớm, nên tăng vào tháng 7,8 như mọi năm vẫn làm”.
Nhìn chung, bức tranh tăng trưởng quý I năm nay sáng hơn năm 2020. Mặc dù năm trước chịu bị ảnh hưởng Covid – 19 từ cuối tháng 3, năm nay từ cuối tháng 1. Bà Thu Oanh đã bày tỏ tin tưởng vào sự điều hành linh hoạt của Chính phủ trong thời gian vừa qua “Chúng tôi tin rằng 4% lạm phát mà quốc hội đề ra có thể hoàn toàn thực hiện được”.