Trong báo cáo công bố gần đây, BMI cho rằng nhu cầu lithium của Trung Quốc đang cao hơn so với nguồn cung của nước này. Báo cáo ước tính trong giai đoạn 2023-2032, nhu cầu lithium cho xe điện của Trung Quốc hằng năm sẽ tăng trung bình 20,4%.
Trong khi đó, nguồn cung lithium của nước này chỉ tăng 6% trong cùng kỳ, con số không đủ để đáp ứng được 1/3 nhu cầu dự báo.
Trung Quốc là nhà sản xuất lithium lớn thứ ba thế giới. Đây là kim loại đóng vai trò quan trọng trong sản xuất pin xe điện. Trong năm 2021, thế giới sản xuất được 540.000 tấn lithium.
Từng là một kim loại được sử dụng chủ yếu trong gốm sứ và dược phẩm, lithium hiện là một trong những kim loại được săn đón nhất thế giới, khi các nhà sản xuất ôtô lớn đang có nhiều kế hoạch đẩy mạnh ôtô điện, chưa kể các startup dòng xe này từ khắp nơi trên thế giới.
Hồi tháng 4, S&P Global cho biết nhu cầu lithium toàn cầu sẽ vượt khoảng 3% so với sản lượng lithium có thể cung ứng trong năm nay. Albemarle, nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới, dự kiến nhu cầu lithium toàn cầu sẽ vượt quá nguồn cung 500.000 tấn vào năm 2030.
Hồi tháng 6, công ty pin lithium Lake Resources thông báo trì hoãn dự án, lô pin sản xuất từ dự án lithium Kachi ở Argentina phải dời lịch hẹn giao, kéo dài thêm ba năm, lý do là vì các vấn đề trong chuỗi cung ứng và nguồn cung cấp điện cho nhà máy.
Stu Crow, chủ tịch Lake Resources, cho biết trong hội nghị Nguyên liệu thô về Pin và Lithium của Fastmarkets tại Las Vegas: "Tình huống khủng hoảng khi các công ty sản xuất pin không có được nguồn lithium dồi dào là có thể xảy ra".
Theo Fastmarkets, có 45 mỏ lithium đang hoạt động trên thế giới vào năm ngoái, 11 mỏ dự kiến sẽ mở trong năm nay và 7 mỏ vào năm tới. Tốc độ này thấp hơn nhiều so với những gì các chuyên gia cho là cần thiết để đảm bảo nguồn cung đủ cho toàn cầu.
Theo dự báo của S&P Global Commodity Insights, doanh số xe điện sẽ đạt 13,8 triệu chiếc trong năm 2023. Đến năm 2030, con số này sẽ tăng vọt lên hơn 30 triệu chiếc. Diễn đàn Kinh tế thế giới dự báo đến năm 2030, nhu cầu lithium trên toàn cầu sẽ đạt hơn 3 triệu tấn.
Giám đốc nghiên cứu công nghệ sạch và lithium của Deutsche Bank, bà Corinne Blanchard nhận định nhu cầu đối với lithium sẽ tăng nhanh hơn so với nguồn cung.
Bà Blanchard dự báo đến cuối năm 2025, thế giới sẽ thiếu khoảng 40.000-60.000 tấn lithium carbonate và đến cuối năm 2030, con số này sẽ tăng vọt lên 768.000 tấn.
Rystad Energy đánh giá dù các mỏ lithium và các dự án thăm dò đang tăng lên, giúp đáp ứng phần nào nhu cầu đang tăng nhanh, song cũng chỉ duy trì nguồn cung ổn định thêm vài năm.
Theo doanh nghiệp nghiên cứu năng lượng này, mặc dù có hàng trăm dự án lithium đang trong quá trình thăm dò, song mức độ phức tạp về địa chất và quá trình cấp phép tốn nhiều thời gian vẫn đặt ra nhiều thách thức.
Các mỏ lithium thường mất 10 năm hoặc lâu hơn từ giai đoạn phát hiện đầu tiên đến khi có thể khai thác với công suất tối đa.
Số liệu của công ty Refinitiv cho thấy thế giới hiện chỉ có 101 mỏ lithium. Do đó, một số chuyên gia dự báo vào cuối thập kỷ này, chuỗi cung ứng pin toàn cầu sẽ thiếu lithium và tăng trưởng nguồn cung sẽ không thể theo kịp nhu cầu
Trong trường hợp đó, giá lithium sẽ tăng lên mức cao lịch sử như hồi năm 2022, qua đó làm tăng chi phí sản xuất pin.
Vào tháng 11/2022, giá lithium carbonate đã lên mức cao kỷ lục là gần 600.000 nhân dân tệ/tấn (82.280 USD/tấn), cao gấp 12 lần so với tháng 1/2021.