Trong một thông cáo phát đi, Ủy ban Cạnh tranh của Philippines (PCC) cho biết: “Vụ sáp nhập hoặc mua lại được xem xét dưới góc độ cạnh tranh sẽ quyết định xem liệu thương vụ giữa hai doanh nghiệp trong thị trường chia sẻ xe có làm giảm đi tính cạnh tranh nhiều hay không”.
Ủy ban PCC cho biết sẽ gặp đại diện của hai công ty Uber và Grab để nắm thêm thông tin về khả năng xảy ra độc quyền trên thị trường vận tải khi Grab nắm luôn thị trường đã được Uber xây dựng.
"PCC nhìn nhận rằng việc Uber rời khỏi Philippines sẽ giúp đối thủ Grab có được thế độc quyền trong thị trường chia sẻ xe cho tới khi có các doanh nghiệp mới tham gia cuộc chơi", Ủy ban của Philippines nêu rõ.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Indonesia cũng đưa ra yêu cầu đăng ký kinh doanh đối với hai hãng Go-Jek và Grab: trong vòng 2 tháng, hai hãng xe sử dụng công nghệ này phải đăng ký hoạt động như công ty vận tải để đảm bảo rằng họ đáp ứng các yêu cầu về an toàn trong dịch vụ vận tải công cộng, về khả năng tăng phí và giám sát của các công ty đi xe.
Malaysia là nước tiếp theo tại Đông Nam Á đưa thương vụ giữa hai "đại gia" đình đám Uber-Grab vào tầm ngắm. Theo đó, Malaysia sẽ kiểm soát Grab, đặc biệt nếu hãng này có những hoạt động cạnh tranh không công bằng hoặc tăng phí đột ngột. Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Nancy Shukri khẳng định việc giám sát là cần thiết để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong mảng dịch vụ vận tải này để tránh gây tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng.
Bà Shukri nhấn mạnh rằng trong trường hợp có hiện tượng chống cạnh tranh, Đạo luật Cạnh tranh sẽ ngay lập tức có hiệu lực. Theo Bộ trưởng Shukri, tại cuộc họp diễn ra tuần trước, Grab - công ty được định giá khoảng 6 tỉ USD, đã đưa ra đảm bảo rằng trong quá trình chuyển giao, sẽ không xảy ra chuyện giá không hợp lý cũng như không có chuyện tăng phí vận chuyển.
Động thái của các nước nói trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Singapore bắt đầu tiến hành điều tra thỏa thuận chuyển nhượng kinh doanh giữa Uber và Grab. Nguyên nhân là do Singapore cho rằng thương vụ này vi phạm điều 54 của đạo luật Cạnh tranh, theo đó cấm các hoạt động sáp nhập làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường.
Trong một động thái hiếm hoi, Singapore tuần trước đề xuất các biện pháp tạm thời để yêu cầu Grab và Uber duy trì giá cước cũ cho đến khi cơ quan chức năng nước này hoàn thành đánh giá thỏa thuận sáp nhập.
Thương vụ đình đám giữa Uber và Grab đã đạt được thỏa thuận vào ngày 26-3, Theo đó, Uber sẽ chuyển nhượng toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab. Đổi lại, công ty đặt trụ sở ở Mỹ này sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab.
Thương vụ này đánh dấu lần rút lui thứ 2 của Uber tại thị trường châu Á. Trước đó, Uber cũng đã bán các hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc cho đối thủ địa phương là Didi Chuxing.
Công ty Grab cho biết sẽ tiếp quản các hoạt động và tài sản của Uber tại 8 nước Đông Nam Á mà Uber đang hoạt động, đồng thời sẽ mở rộng dịch vụ giao đồ ăn.