Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ luật lao động sửa đổi của VCCI/Oxfam và hỗ trợ của tổ chức Investing in Women.
Hội thảo đã thu hút hàng trăm đại biểu đến từ những doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu Chế xuất Tân Thuận, nơi có mật độ doanh nghiệp đông vào bậc nhất của khu vực Sài Gòn Thông điệp nổi bật mà Hội thảo muốn chuyển tải bao gồm: Thực hiện bình đẳng giới trong việc tạo cơ hội bình đẳng về tuyển dụng, đào tạo, trả lương, thăng tiến... giúp giữ chân lao động và phát triển nhân tài, nâng cao năng suất lao động; Bình đẳng giới còn góp phần giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn lao động quốc tế để có thể tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc giúp người lao động yên tâm và tập trung hơn, đảm bảo năng suất và giữ chân lao động tại doanh nghiệp.
Hội thảo trở nên sôi nổi trong màn thảo luận về những nội dung chính trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, đặc biệt về các vấn đề như: mở rộng thời giờ làm thêm hợp lý để đảm bảo cho doanh nghiệp chủ động trong từng đơn hàng với đối tác, đặc biệt ở những thời điểm giao hàng có tính quyết định; Các vấn đề liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu; Cách tính tiền lương và phụ cấp cho thôi việc; Đặc biệt, các vấn đề về giới trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã được chuyên gia Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Mai Đức Thiện giới thiệu cụ thể tới cử toạ.
Nhấn mạnh việc chủ sử dụng lao động có thể làm gì để thúc đẩy bình đẳng giới, bà Phạm Nguyên Cường, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng Giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã lưu ý các doanh nghiệp các khía cạnh về chìa khoá để thúc đẩy bình đẳng thành công là một quá trình rà soát từng bước các biện pháp quản trị nguồn nhân lực nhằm đảm bảo không có định kiến hoặc phân biệt đối xử. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận không phân biệt đối xử như một nguyên tắc định hướng trong các hoạt động kinh doanh.
Chia sẻ về kinh nghiệm thực tế áp dụng tại doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thuý Hương, đã dẫn chứng khá cụ thể những trường hợp doanh nghiệp điển hình của Hiệp hội áp dụng thành công, trong đó, đặc biệt lưu ý đến vấn đề bình đẳng giới và công bằng trong chế độ nghỉ thai sản, chăm sóc con ốm cũng được doanh nghiệp áp dụng với nam giới, với những ông bố nghỉ việc để chăm sóc vợ, con vẫn được hưởng đẩy đủ chế độ thai sản theo quy định của Bộ Luật Lao động hiện hành.
Bà Đinh Thị Hồng Thịnh, Giám đống Công ty TNHH Thương mại Mido, doanh nghiệp có đến trên 1000 lao động trong lĩnh vực dệt may, bà chia sẻ việc thực hiện bình đẳng giới như là một phần trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp. Với công ty, nguồn lực con người là tài sản quý nhất của doanh nghiệp, vì vậy, công ty luôn trân trọng và giữ gìn, vừa là hình ảnh doanh nghiệp, vừa là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp luôn giữ lợi thế cạnh tranh và phát triển.
Hội thảo đã chuyển tải một làn gió mới trong việc lồng ghép bình đẳng giới với những vấn đề hết sức thiết yếu của doanh nghiệp như việc xây dựng hình ảnh và danh tiếng của doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, giữ chân được những lao động có tay nghề, có kỹ năng, đa dạng hoá sản phẩm và giảm thiểu các nguy cơ về xung đột tại nơi làm việc.