Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Theo tài liệu này, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhận được ý kiến của 16 bộ, 5 cơ quan thuộc Chính phủ, 49 địa phương, 3 Tổ chức quốc tế (WHO, UNICEF, World Bank), Đại sứ quán (Anh), 2 tổ chức phi chính phủ quốc tế, 24 hiệp hội, doanh nghiệp (DN).
Trong đó 35 đơn vị nhất trí hoàn toàn, 65 đơn vị cơ bản nhất trí và có một số ý kiến cụ thể về kết cấu dự thảo báo cáo, câu chữ cho phù hợp quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tài chính giải trình: việc bổ sung thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là thực hiện theo đúng chủ trương Nhà nước đã nêu tại các Nghị quyết 07, Nghị quyết 20…
Liên quan đến đề xuất bổ sung mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế nêu tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính cho biết: Hội Lương thực, Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh; Hiệp hội Sữa; Hiệp hội Bia - Rượu – Nước giải khát Việt Nam; Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng; Cục thuế TP. Cần Thơ; Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) đề nghị chưa đưa mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa, đồ uống có giá trị dinh dưỡng; cân nhắc áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng đối với một số đồ uống có hàm lượng đường cao; quy định khái niệm “đồ uống có đường” tại Luật.
Theo số liệu của WHO, hiện nay có khoảng 85 quốc gia áp dụng thuế đối với đồ uống có đường và việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường đã mang lại hiệu quả.
Tại Việt Nam tỉ lệ hộ gia đình tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người năm 2013 là 47,65 lít/người tăng lên 70,56 lít/người năm 2020.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Bộ Tài chính cho biết, theo TCVN 12828:2019, nước giải khát là sản phẩm pha sẵn để uống với mục đích giải khát, được chế biến từ nước có thể chứa đường phụ gia thực phẩm, hương liệu. Có thể bổ sung các thành phần nguyên liệu có nguồn gốc từ tự nhiên, vitamin và khoáng chất, có ga hoặc không có ga.
Nước giải khát gồm nước giải khát có ga, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa cà phê và nước giải khát có chứa nước trái cây.
Tác hại của mặt hàng đồ uống có đường đến sức khỏe con người cả về thể chất và tinh thần đã được các Tổ chức quốc tế về y tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và Bộ Y tế Việt Nam đưa ra tài liệu chứng minh. Các tổ chức này đều khuyến nghị áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là giải pháp góp phần giảm tiêu dùng sản phẩm này.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Trên thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có thuế TTĐB đánh vào đồ uống có đường, sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế GTGT 10%. Trong khi các quốc gia phát triển và có tỷ lệ béo phì cao đều dần thực hiện việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường. Nếu năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia, thì đến nay đã có ít nhất 67 quốc gia/vùng lãnh thổ đánh thuế đối với đồ uống có đường, trong đó 56 quốc gia áp thuế TTĐB; 9 nước áp thuế nhập khẩu; 2 nước áp thuế hàng hóa và dịch vụ.
Như vậy, đánh thuế TTĐB đối với các sản phẩm đồ uống có đường là một trong những biện pháp hiệu quả để định hướng tiêu dùng, giảm mức tiêu thụ nước ngọt có đường, góp phần dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm.