Theo thông báo ngày 8-3 của Singapore Airlines, hành khách đáp chuyến bay từ Singapore đi London (Anh) từ ngày 15 đến 28-3 sẽ có cơ hội tham gia thử nghiệm ứng dụng trên nếu họ có điện thoại sử dụng phần mềm iOS. Những người tham gia chương trình thí điểm này sẽ xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành. Trước chuyến bay, những người này phải xuất trình trạng thái đã được xác nhận trên ứng dụng với nhân viên làm thủ tục bay.
Chứng nhận xét nghiệm và tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ sớm trở thành một phần không thể thiếu khi đi máy bay trong tương lai gần. Một số hãng hàng không khác như Air New Zealand, Emirates cũng đã đăng ký thử nghiệm ứng dụng nói trên.
Đại diện phía IATA, ông Nick Careen cho biết: "Sự hợp tác của chúng tôi với Singapore Airlines trong nỗ lực triển khai tấm Travel Pass đầu tiên sẽ giúp thế giới bay trở lại".
Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành hàng không toàn cầu vốn đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng có tiền lệ do đại dịch. Ước tính, trong năm ngoái, doanh thu ngành hàng không thế giới thiệt hại tới 510 tỷ USD.
Còn Qantas Airways từng thông báo rằng, việc tiêm chủng Covid-19 sẽ là bắt buộc đối với hành khách đi và đến Australia. Tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại rằng việc bắt buộc tiêm phòng có thể là một thảm họa đối với lĩnh vực du lịch vốn đã khó khăn.
Gloria Guevara, lãnh đạo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, lập luận, chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép đi máy bay, vì vaccine chưa phổ biến rộng rãi.
Hiện ý tưởng về việc sử dụng "hộ chiếu vaccine", theo đó cho phép những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được tự do đi lại, đang gây chia rẽ cộng đồng quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Trong khi một số quốc gia ủng hộ ý tưởng này, coi đây là lối thoát cho ngành du lịch và hàng không đang gặp khó khăn, một số quốc gia khác lại bày tỏ nghi ngại bởi đến nay mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số thế giới được chủng ngừa.