Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một hội nghị ở Berlin (Đức) vào cuối tuần qua rằng, đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt "khi thế giới chọn kết thúc nó. Điều đó nằm trong tay chúng ta. Chúng ta có tất cả các công cụ chúng ta cần, nhưng thế giới đã không sử dụng tốt những công cụ đó" .
Thế giới đã ghi nhận 244.404.428 ca nhiễm nCoV và 4.963.318 ca tử vong, tăng lần lượt 313.434 và 4.487, trong khi 221.414.176 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Châu Âu hiện được xem như điểm nóng Covid-19, khi nhiều nước trong khu vực ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh gần đây. Theo thống kê của Reuters hôm 24/10, số ca nhiễm ở Đông Âu đã vượt 20 triệu, trong bối cảnh khu vực này phải vật lộn với đợt bùng dịch tồi tệ và nỗ lực tiêm chủng đang chậm lại.
Phân tích của Reuters cũng chỉ ra rằng, dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới, Đông Âu ghi nhận khoảng 20% tổng ca nhiễm toàn cầu. Ba trong số 5 nước ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất ở Đông Âu là Nga, Ukraine và Romania.
Theo dữ liệu tính tới ngày 22/10, số người mắc mới trong khu vực này tăng đều đặn với trung bình hơn 83.7000 ca nhiễm/ngày, mức cao nhất tính từ tháng 11/2020.
Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết việc người dân tụ tập trong nhà nhiều hơn sau khi dỡ chính phủ các nước dỡ biện pháp hạn chế đang khiến ca nhiễm nCoV gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu.
Tại châu Á, tình hình dịch dường như được cải thiện khi số ca nhiễm mới giảm, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng.
Tiến sĩ Bruce Aylward, lãnh đạo cấp cao của WHO, ngày 20/10 cho biết đại dịch Covid-19 có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2022 do các nước nghèo không nhận được số vaccine cần thiết. Ông Aylward kêu gọi các nước giàu nhường cơ hội mua vaccine để các công ty dược phẩm có thể ưu tiên phân phối vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp.
Trước đó, vào ngày 10/10, bà Soumya Swaminathan, nhà Khoa học trưởng của WHO, cho rằng, còn quá sớm để đưa ra dự đoán về thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 vì có thể vẫn còn những khó khăn mới chưa lường trước được. Theo bà Swaminathan, tới đây có thể còn xuất hiện những biến thể mới của các chủng virus SARS-CoV-2. Đồng thời, chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, tình hình dịch tễ sẽ được cải thiện khi việc tiêm chủng đạt tỷ lệ 70% - 80%.
Hiện chưa đầy 5% dân số châu Phi được tiêm vaccine, trong khi tỷ lệ này ở các châu lục khác là từ 40% trở lên. COVAX đã đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine trước cuối năm nay, nhưng cho đến nay sáng kiến này mới chỉ phân phối 371 triệu liều.
People's Vaccine, một liên minh các tổ chức từ thiện, đã công bố số liệu mới cho thấy, chỉ 1/7 lượng vaccine mà các công ty dược phẩm và các nước giàu hứa hẹn được chuyển đến các nước nghèo hơn.
Tiến sĩ Anthony Fauci, nhà dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ, cho rằng thế giới có thể bắt đầu kiểm soát được đại dịch Covid-19 vào mùa xuân tới, trong khi giám đốc điều hành của hãng dược Moderna và Pfizer nhận định đại dịch có thể kết thúc sau một năm nữa.