Mặc dù phía cảnh sát không đưa ra bất cứ bằng chứng nào về các vi phạm của những cựu nhân viên này nhưng cho rằng việc họ tham gia thảo luận với các nhà báo nước ngoài là đủ để giải thích cho vụ bắt giữ.
Năm người đã lập nhóm trò chuyện trên ứng dụng WeChat. Khi đang thảo luận, một trong đó viết: "Tôi có thể chứng minh rằng Huawei đã bán hàng cho Iran". Cuộc thảo luận diễn ra vào tháng 12/2018.
Tưởng như đây chỉ là một tin nhắn bình thường. Nhưng vài tuần sau, cảnh sát Thâm Quyến đã bắt giữ tất cả.
Một trong số đó, Li Hongyuan (42 tuổi) nổi tiếng vào năm ngoái khi đâm đơn kiện Huawei đã "gài" mình vào tù. Nguồn tin từ CNN và NYTimes khi đó cho biết, Hongyuan bị buộc thôi việc và nhận gói tài chính 43.000 USD theo hình thức chuyển khoản vào đầu 2018. Nhưng Huawei lại tố cáo Hongyuan đã tống tiền công ty, khi việc chuyển khoản được thực hiện xong.
Tháng 12/2018, Hongyuan bị tạm giữ hình sự vì cáo buộc tống tiền trên và bị tạm giữ tám tháng. Ông được thả vì các bằng chứng Huawei đưa ra chưa đủ căn cứ về hành vi tống tiền. Việc về Hongyuan khi đó đã khiến người dùng Internet Trung Quốc phản ứng dữ dội.
Tuy nhiên, thông tin mới về việc năm người bị bắt do thảo luận vấn đề Iran đã khiến bản chất vấn đề xoay chuyển theo hướng khác. Nói với NYTimes, Hongyuan và Zeng Meng (39 tuổi), một người cùng nhóm chat thừa nhận đã bị thẩm vấn bởi các sĩ quan Trung Quốc. Hai nội dung được đề cập đến là "Huawei với Iran" và "tại sao nhóm lại liên lạc với các cơ quan báo chí nước ngoài". Meng bị bắt tại Thái Lan, bị giam ba tháng rồi được thả tự do.
Hongyuan cho biết cảnh sát đã thẩm vấn về mối liên quan của ông đến Iran - nội dung đề cập trên WeChat. Do là cựu Giám đốc toàn cầu phụ trách mảng kinh doanh biến tần điện của Huawei, ông Hongyuan đương nhiên có liên hệ với các đồng nghiệp ở Iran. Tuy vậy, ông khẳng định chưa bao giờ đến quốc gia vùng Nam Á.
Hongyuan cũng thừa nhận đã sắp xếp gặp phóng viên của một tờ báo tại Hong Kong. Tuy nhiên, ông lên kế hoạch phỏng vấn về các hoạt động lao động và thuế của Huawei, không có nội dung nào liên quan đến Iran. "Tôi cho rằng không có vấn đề nào là bất hợp pháp", Hongyuan nhớ lại.
Trong khi đó, Meng cho biết cảnh sát đã nói với ông rằng, việc thảo luận về việc kinh doanh ở Iran của Huawei và liên lạc với các cơ quan báo chí nước ngoài là hành động "vượt ranh giới". Trước khi thôi việc, Meng là quản lý sản phẩm cho Huawei ở Ma-rốc.
Cảnh sát Thâm Quyến lẫn Huawei chưa đưa ra bình luận nào. NYTimes cũng chưa liên lạc được ba cựu nhân viên còn lại.
Trong nhiều năm, Mỹ cáo buộc Huawei có dính líu tới chính quyền Trung Quốc. Công ty viễn thông này luôn phủ nhận các cáo buộc. Tuy nhiên, NYTimes cho rằng, ngay cả khi Huawei không bị chính phủ kiểm soát, công ty này vẫn được coi là "con cưng" và được các quan chức bảo vệ như là "tài sản nhà nước mang tính chiến lược".
Các tuyên bố mới cho thấy Huawei không chỉ giám sát cuộc trò chuyện của các nhân viên cũ mà còn sẵn sàng lợi dụng sự bảo vệ của chính quyền để giữ im lặng các nhà phê bình. Hiện tại, Huawei là trung tâm của cuộc tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, cuối cùng dẫn đến các cáo buộc liên quan đến các vi phạm lệnh trừng phạt Iran mà Huawei thực hiện. Nếu có những bằng chứng cho thấy Huawei đã phá vỡ các lệnh trừng phạt, điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả Trung Quốc.