Ngày 12/6/2021, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Lô hàng này đã tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 của Cục XTTM được đưa vào thí điểm cho thị trường nội địa từ tháng 3/2021 cho các sản phẩm rau củ quả và trái cây từ tỉnh Hải Dương, Sơn La và Bắc Giang. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tem truy xuất có thể hiện thị được các ngôn ngữ theo yêu cầu của khách hàng, đáp ứng yêu cầu về minh bạch thông tin sản phẩm của thị trường nhập khẩu. Trước đó, sản phẩm vải thiều Thanh Hà của Hải Dương có gắn tem truy xuất iTrace247 với thông tin được hiển thị bằng tiếng Anh và tiếng Nhật đã được xuất khẩu sang Singapore và Nhật Bản.
Hiện nay, Pháp là thị trường nhập khẩu vải lớn thứ 2 sau Hà Lan và là thị trường đầu vào cho châu Âu. Một phần không nhỏ vải nhập khẩu vào Pháp cũng thông qua đường hàng không. Thực tế, tổng quy mô thị trường nhập khẩu vải của Châu Âu được ước tính vào khoảng 20.000 đến 25.000 tấn hàng năm. Số liệu cũng cho thấy tiềm năng cho trái vải Việt Nam tại thị trường Pháp là rất lớn.
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc công ty Rồng đỏ cho biết “Rồng Đỏ đã và đang có chiến lược đưa sản phẩm trái cây có chất lượng của Việt Nam chinh phục các thị trường trên thế giới. Sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thực sự làm tăng giá trị cho sản phẩm, nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp đối với bạn hàng, tăng niềm tin của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm. Có thể thấy, khi quét thông tin về sản phẩm, chắc chắn khách hàng sẽ hiểu hơn về hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, về nguồn gốc xuất xứ và biết thêm nhiều thông tin khác về Việt Nam hơn. Trong thời gian tới, Rồng Đỏ mong muốn tiếp tục nhận được những hỗ trợ từ phía Cục Xúc tiến thương mại cho các hoạt động kết nối, xây dựng hình ảnh và thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là hướng dẫn các vùng trồng áp dụng nhật ký điện tử thành thục và triển khai chức năng giám sát sản xuất trên hệ thống truy xuất nguồn gốc theo quy trình giám sát của cục XTTM, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu thành công hơn nữa”.
Liên quan đến hoạt động nâng cao năng lực về truy xuất nguồn gốc, Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết “Để nâng cao nhận thức về truy xuất nguồn gốc cho các đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các hợp tác xã, các hộ canh tác, ngoài các hoạt động đào tạo trực tiếp, Cục XTTM đã phát triển bộ giáo trình điện tử về truy xuất nguồn gốc và sẽ tiến hành giảng dạy, hướng dẫn và tư vấn thông qua hình thức trực tuyến (học online) trên nền tảng của Cục bắt đầu từ tháng 8/2021. Bên cạnh đó, hiển thị thông tin sản phẩm theo ngôn ngữ của thị trường nhập khẩu cũng góp phần xây dựng hình ảnh và nâng cao nhận biết từ phía khách hàng đối với sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam”
Xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của sản phẩm trên thị trường, cả nội địa và xuất khẩu, luôn là điều mà bất cứ doanh nghiệp, địa phương hay quốc gia hướng đến. Ngoài những yếu tố về chất lượng, công năng, thị hiếu thì việc ghi dấu ấn về hình ảnh và thương hiệu sản phẩm bắt nguồn từ chính câu chuyện về hành trình của sản phẩm cho đến khi đến tay khách hàng. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là công cụ giúp người dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội hiểu thêm về giá trị về lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm.
Trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) đã nghiên cứu những phương thức và công cụ để hỗ trợ quản lý chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại hiệu quả. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), Cục XTTM đã thực hiện các nghiên cứu và xây dựng các bộ quy trình áp dụng cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hệ thống truy xuất - xúc tiến thương mại (iTrace247) đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, áp dụng cho các sản phẩm nông sản từ tháng 3/2021.
Cục Xúc tiến thương mại phát triển bộ quy trình truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ngoài việc đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới ở việc minh bạch thông tin, thiết lập mối liên kết từ người tiêu dùng tới người nuôi trồng, còn mang lại hình ảnh về chính sách quản lý có chiến lược và trách nhiệm của Việt Nam.
Về lâu dài, việc nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các đối tượng vẫn là hoạt động mang tính chiến lược nhằm ứng dụng công nghệ thông tin được hiệu quả. Để cho công tác “học” và “hành” luôn song hành, Cục Xúc tiến thương mại một mặt phối hợp với Tổng Công ty bưu điện Việt Nam (Vnpost) từng bước xây dựng kế hoạch hướng dẫn và đào tạo cho các hợp tác xã và doanh nghiệp, mặt khác tiến hành hỗ trợ xúc tiến sản phẩm thông qua gian hàng “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại”. Đây là các gian hàng hiện đang được Cục XTTM triển khai trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo và Alibaba nhằm hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của các địa phương.
Truy xuất nguồn gốc và xây dựng hình ảnh sản phẩm
Với thông tin trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khách hàng có thể xác thực mọi thông tin về sản phẩm chỉ với thao tác quét mã QR. Khi sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, khách hàng sẽ có dịp trải nghiệm câu truyện trọn vẹn về sản phẩm, hơn thế, những thông tin liên quan về vùng đất, con người, văn hoá là những giá trị dần in sâu vào tiềm thức, mang đến hình ảnh về hành trình của sản phẩm. Khi sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng sẽ không chỉ đơn thuần là được đáp ứng nhu cầu mà họ được trải nghiệm những giá trị khác của sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp cung ứng hay những nhà sản xuất sản phẩm, ngoài việc hạn chế hàng giả, không rõ nguồn gốc và kém chất lượng, việc truy xuất nguồn gốc giúp khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, Xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả là biện pháp hữu hiệu giúp tổ chức đạt được các mục đích như: Quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, quản lý mối quan hệ tương tác trong nội bộ cũng như với các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin và nâng cao uy tín của tổ chức. hỗ trợ quản lý được sản phẩm của mình một cách khoa học hơn. Tem truy xuất nguồn gốc có thể coi là cầu nối với khách hàng hàng, ngoài chia sẻ dữ liệu hồ sơ hàng hóa cho các nhà nhập khẩu hoặc đối tác thu mua, đây còn là kênh thông tin hai chiều trực tiếp tới khách hàng, giúp cho việc marketing sản phẩm đến với nhiều đối tượng, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Đối với công tác xuất khẩu và xây dựng hình ảnh quốc gia , những sản phẩm có giá trị, đáp ứng thị hiếu khách hàng, có thông tin đầy đủ và minh bạch sẽ có vai trò là những đại sứ hình ảnh của quốc gia. Người tiêu dùng từ việc ưa thích sản phẩm, sẽ tìm hiểu thêm thông tin về văn hoá, con người và hỗ trợ lan toả những giá trị khác cho sản phẩm và quốc gia.