Tuyến cáp quang biển ADC (Asia Direct Cable) mà Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông Quân đội (Viettel) công bố tham gia đầu tư xây dựng kết nối Việt Nam với Trung Quốc (Hong Kong và tỉnh Quảng Đông), Nhật Bản, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Nhà mạng này khẳng định, với dung lượng hệ thống lớn, tuyến cáp ADC có khả năng hỗ trợ hoạt động cho các ứng dụng với nhu cầu băng thông cao, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ 5G, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI).
Sau khi hoàn thành vào quý IV/2022, tuyến cáp quang này sẽ trở thành tuyến cáp quang biển có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam, gấp ba lần cáp APG hiện nay với lưu lượng tối thiểu 18Tbps - Đại diện tập đoàn Viettel cho biết.
Tuyến cáp quang biển ADC (Asia Direct Cable) được thiết kế gồm nhiều cặp sợi quang với dung lượng đạt trên 140 Tbps, cho truyền tải dữ liệu lớn tốc độ cao giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Ông Đoàn Đại Phong, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho biết: "Với việc triển khai triển khai tuyến cáp quang biển ADC, Viettel đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh tiên phong trong công cuộc kết nối Việt Nam với thế giới thông qua hệ thống mạng lưới ngày càng đa dạng".
"Tuyến cáp quang biển ADC sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội khi đáp ứng được nhu cầu truyền tải dữ liệu ngày càng tăng cao cũng như thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ tiên tiến", ông Phong cho biết thêm.
ADC là dự án cáp quảng biển thứ năm do Viettel đầu tư trong những năm vừa qua bên cạnh các tuyến cáp quang biển: AAE-1 (Trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), TGN-IA (Trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), APG (Trạm cập bờ đặt tại Đà Nẵng) và AAG (Trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu).
Sắp tới, Viettel sẽ xây dựng Trạm cập bờ (CLS) tuyến cáp quang biển ADC tại Quy Nhơn, Viettel là thành viên Việt Nam duy nhất đầu tư vào tuyến cáp quang biển ADC này.