Đồng NDT đã giảm xuống mức thấp nhất là 7,3623/USD trong giao dịch tại nước ngoài vào ngày 8/9, vượt qua ngưỡng "mấu chốt" 7,35 NDT/USD và xuống mức thấp nhất kể từ khi hình thành thị trường NDT ở nước ngoài vào năm 2010.
Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giảm tỷ giá tham chiếu của NDT xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng vào ngày 8/9.
Sự sụt giảm gần đây của đồng NDT mạnh đến mức đồng tiền này đang tiến gần đến "điểm yếu" trong biên độ giao dịch 2% với đồng bạc xanh. Trước đó, vào ngày 7/9, đồng NDT đã trượt xuống mức thấp nhất trong vòng 16 năm với các giao dịch trong nước.
Theo một báo cáo, sự sụt giảm trên thị trường nước ngoài của đồng NDT rất đáng chú ý vì nó đã vượt qua mức 7,35%, mức mà các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đang rất chú ý kể từ tháng trước.
PBOC đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là duy trì cái gọi là "bộ ba bất khả thi", trong đó cần ổn định tỷ giá hối đoái và ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài trong khi vẫn duy trì chính sách tiền tệ độc lập.
"Bộ ba bất khả thi" không phải là một vấn đề mới đối với Bắc Kinh, vì việc này vốn đã xảy ra sau cú sốc đồng NDT mất giá vào năm 2015 và trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại giữa nước này với Mỹ 5 năm trước.
Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy các nhà hoạch định chính sách có xu hướng ưu tiên tăng trưởng và cho phép giảm giá có kiểm soát, vì đồng NDT yếu hơn khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn.
Các vấn đề chỉ ra những rắc rối kinh tế ngày càng gia tăng đối với Trung Quốc khi sự phục hồi được nhiều người mong đợi sau khi kết thúc các chính sách zero-Covid nghiêm ngặt đã không thành hiện thực. Thực tế này gây áp lực buộc Chủ tịch Tập Cận Bình phải tìm cách tăng cường thúc đẩy nền kinh tế.
Theo Ming Ming, nhà kinh tế trưởng tại Citic Securities, cho biết: “Sự suy yếu gần đây của đồng NDT phần lớn là do đồng đô la mạnh”.
“Ngoài chỉ số đồng đô la tăng cao, còn có hai yếu tố – nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước và tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại trong quý II và quý III”.
Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy sự phục hồi đang bị đình trệ trong khi các ngân hàng trung ương toàn cầu khác đã tăng lãi suất để chống lạm phát.
Chênh lệch lợi suất ngày càng lớn giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ, đã gây áp lực lên đồng NDT và làm tăng nguy cơ dòng vốn chảy ra ngoài.
Việc nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế đã đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc giảm so với trái phiếu kho bạc Mỹ và đã thúc đẩy hơn 20 tỷ USD dòng vốn nước ngoài chảy ra khỏi thị trường chứng khoán trong nước trong năm nay. Điều đó đã tạo thêm áp lực giảm tỷ giá hối đoái.
Xuất khẩu từ lâu đã là nguồn tăng trưởng chính của cường quốc sản xuất này, nhưng lạm phát tràn lan trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến nhu cầu mua hàng hóa Trung Quốc của người mua nước ngoài.
Mặc dù sự sụt giảm xuất khẩu ít nghiêm trọng hơn những gì các thương nhân lo ngại và đã cải thiện so với mức giảm 14,5% trong tháng 7, nhưng nó không làm dịu đi những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc.
Tình hình trên xảy ra trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản Trung Quốc vẫn trong tình trạng ảm đạm, khi các hộ gia đình tránh xa các dự án của các nhà phát triển lớn đang vật lộn để hoàn thành các tòa nhà mới.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước phương Tây giảm đáng kể trong tháng 8, với hàng hóa bán sang Mỹ giảm 17% so với một năm trước đó.