Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 14/7 được áp dụng theo phiên điều hành ngày 11/7 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, xăng E5RON92: không cao hơn 20.419 đồng/lít (giảm 51 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.078 đồng/lít. Xăng RON95-III: Không cao hơn 21.497 đồng/lít (tăng 69 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 18.616 đồng/lít (tăng 447 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành). Dầu hỏa: Không cao hơn 18.320 đồng/lít (tăng 394 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.288 đồng/kg (tăng 665 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Như vậy, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã bật tăng trở lại sau khi giảm vào kỳ điều hành đầu tháng 7.
Giá xăng dầu thế giới
Trên thị trường thế giới, giá dầu WTI đạt 77,22 USD/thùng, tăng 0,08%. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 81,54 USD/thùng, tăng1,79% vào lúc 5h51 ngày 14/7 theo giờ Việt Nam.
Số liệu của Mỹ vừa công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của nước này tăng nhẹ trong tháng 6/2023, và là mức tăng thấp nhất trong hơn hai năm qua. Các thị trường vẫn dự báo một đợt tăng lãi suất nữa. Các nhà kinh doanh dầu mỏ cho rằng lãi suất tăng có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự kiến công bố các báo cáo thị trường vào cuối ngày 13/7. Theo đó, hai tổ chức này sẽ có đánh giá nhanh về thị trường dầu mỏ và nhiều khả năng giá dầu sẽ đi lên khi thị trường bị thắt chặt trong nửa cuối năm nay.
Giá dầu hiện vẫn thấp hơn một chút so với năm ngoái, một phần do sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn mờ nhạt, nhưng Saudi Arabia và Nga, hai thành viên có sức nặng trong liên minh OPEC+, đã cam kết cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ thị trường.
Đáng chú ý, dầu thô Urals của Nga đã phá vỡ mức giá trần do các nước G7 đặt ra và đây có thể xem là một chiến thắng kinh tế của Moscow.
Theo giới phân tích, giá dầu tăng nhanh sau khi Mỹ công bố dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của nước này trong tháng 6 thấp hơn dự đoán và chạm đáy 2 năm. Lạm phát giảm làm dấy lên hi vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ bớt dần các đợt tăng lãi suất. Khi lãi suất giảm có thể làm tăng nhu cầu dầu mỏ.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ từ số liệu thương mại của Trung Quốc mới công bố cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này có xu hướng gia tăng. Trong tháng 6, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 12,67 triệu thùng dầu mỗi ngày, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, giá xăng dầu tăng cao còn có tác động từ việc cắt giảm nguồn cung của các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới và hi vọng về nhu cầu cao hơn ở các nước đang phát triển trong nửa cuối năm 2023.
Ngoài ra, việc đồng USD suy giảm tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu tăng. Giá USD đã rơi xuống đáy 1 năm khi lạm phát của Mỹ giảm nhanh vào tháng 6. Đồng bạc xanh suy yếu không những làm cho dầu thô rẻ hơn cho những người mua nắm giữ đồng tiền khác mà còn làm tăng nhu cầu dầu mỏ.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế phần nào khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 5,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 7/7. Mức này cao hơn nhiều so với dự kiến.