Tăng trưởng doanh số của Microsoft quý 4/2022 rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, trong bối cảnh nhu cầu về phần mềm và dịch vụ đám mây của tập đoàn này suy giảm do lo ngại về sức khỏe về kinh tế toàn cầu.
Theo CNN, doanh thu của gã khổng lồ công nghệ trong quý 4/2022 là 52,7 tỷ USD - tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn một chút so với dự đoán của các nhà phân tích. Lợi nhuận ròng của hãng giảm 12%, xuống còn 16,4 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất đối với Microsoft kể từ quý 2/2016.
Báo cáo thu nhập này được công bố vào thời điểm hỗn loạn đối với Microsoft nói riêng và toàn bộ ngành công nghệ nói chung, khi làn sóng cắt giảm nhân sự công nghệ đang bùng nổ. Tuần trước, Microsoft đã công bố kế hoạch cắt giảm 10.000 nhân viên để giảm bớt chi phí cho công ty trong tình hình kinh tế ảm đạm.
Được biết, nguyên nhân khiến doanh thu tăng chậm là nhu cầu về phần mềm và máy tính cá nhân (PC) của người tiêu dùng đã giảm nhiều so với thời kỳ đại dịch. Theo công ty tư vấn Gartner, các lô hàng PC của Microsoft đã giảm tới 28% trong quý IV/2022 - mức giảm lớn nhất trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây.
Trong báo cáo thu nhập vừa công bố, Microsoft đã ghi nhận doanh thu giảm từ các hoạt động OEM Windows, Xbox và một số dòng dịch vụ khác. Ngoài ra, công ty này cũng phải chịu khoản chi phí 800 triệu USD để đền bù cho các nhân viên bị sa thải trong quý này.
Tăng trưởng doanh số trong đơn vị điện toán đám mây Azure của công ty - được các nhà phân tích coi là động lực tăng trưởng chính của công ty - tốt hơn mong đợi, tăng 31%, giúp nâng cổ phiếu của công ty trong giao dịch sau giờ làm việc. Tuy nhiên, lợi nhuận tổng thể của Microsoft đã giảm 12%, xuống còn 16,4 tỷ USD.
Microsoft được biết đến rộng rãi như một tượng đài về sản xuất phần mềm. Đây là công ty có giá trị vốn hóa thị trường lên tới 1,79 nghìn tỷ USD - đứng thứ thứ ba thế giới, chỉ sau Apple và Saudi Aramco.
Đầu tuần vừa rồi, Microsoft còn xác nhận rằng họ đang đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI - chủ sở hữu của siêu chatbot ChatGPT đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội thời gian gần đây. Gã khổng lồ công nghệ cũng đang tìm cách tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing của mình, nhằm giành trước lợi thế so với dịch vụ tìm kiếm được ưa chuộng nhất thế giới là Google - hiện nằm dưới sự quản lý của tập đoàn Alphabet.