Các nhà nghiên cứu đang theo dõi diễn biến của những bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện, và cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến một loạt các cơ quan của cơ thể người. Bệnh càng nặng thì các triệu chứng kéo dài càng nghiêm trọng.
“Ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể bị bệnh COVID-19 nặng, và để tránh điều này mọi người nên thực hiện tiêm ngừa. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những bằng chứng khách quan về việc bệnh nhân COVID-19 tiếp tục phát triển những triệu chứng bất thường sau 1-2 tháng, và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe một năm sau đó”, giáo sư Colin Berry thuộc Đại học Glasgow - người đứng đầu công trình nghiên cứu CISCO-19 (Chẩn đoán bệnh tim mạch bằng hình ảnh từ những bệnh nhân SARS-CoV-2) cho biết.
Trong một bài viết trên tạp chí Nature Medicine, các nhà nghiên cứu đã mô tả cách họ theo dõi diễn biến sức khỏe của 159 người nhập viện vì COVID-19 từ tháng 5/2020 đến tháng 3/2021.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiều đợt chụp quét (scan) hình ảnh các cơ quan nội tạng, và xét nghiệm máu vào ngày thứ 28-60 sau khi bệnh nhân xuất viện, và các bệnh nhân cũng được yêu cầu trả lời một bảng câu hỏi để đánh giá hiện trạng sức khỏe. Kết quả được so sánh với kết quả từ nhóm đối chứng gồm 29 người có cùng độ tuổi, giới tính, dân tộc và các yếu tố nguy cơ tim mạch, nhưng chưa bị nhiễm COVID-19.
Các tác giả cho biết, so với nhóm đối chứng, những người đã nhập viện vì COVID-19 cho thấy một số dấu hiệu bất thường, trong đó có những triệu chứng về tim, phổi và thận thông qua hình ảnh chụp được.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy khoảng 13%, hoặc 1/8 những người nhập viện vì COVID-19 được các chuyên gia cho rằng rất có thể bị viêm cơ tim, hoặc viêm tim, trong khi tỷ lệ này ở nhóm đối chứng là 1/29.
“Điều này khiến cho bệnh nhân COVID-19 có chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe thấp hơn, nhận thức về bệnh tật tăng lên hơn, mức độ lo lắng và trầm cảm cao hơn, và cường độ hoạt động thể chất thấp hơn”, tiến sĩ Andrew Morrow, cũng từ Đại học Glasgow, cho biết.
Trong khi đó, theo tiến sĩ Jamie Goldberg - bác sĩ da liễu tại Trung tâm y tế Nam Baltimore của Kaiser Permanente, nhiễm COVID-19 có thể dẫn đến một chứng rụng tóc gọi là telogen effluvium.
“Việc rụng 25, 50 hoặc thậm chí 100 đến 200 sợi tóc mỗi ngày là điều bình thường. Với telogen effluvium, tóc sẽ rụng thành từng chùm”, tiến sĩ Goldberg cho biết và giải thích rằng, tình trạng này thường xảy ra khi cơ thể phải trải qua một số loại căng thẳng đáng kể, chẳng hạn như khi bị nhiễm khuẩn hoặc bệnh tật, nhất là những nguyên nhân gây sốt cao hoặc khiến bệnh nhân phải nhập viện.
“Chúng tôi không biết chính xác cách virus SARS-CoV-2 có thể gây rụng tóc. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng nó liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể con người đối với virus này. Điều này tạo ra rất nhiều chứng viêm, và có thể ảnh hưởng đến các nang tóc, khiến tóc rụng với số lượng nhiều hơn mức bình thường”, tiến sĩ Goldberg chia sẻ.
Tiến sĩ cũng cho biết thêm, hiện tượng rụng tóc thường xảy ra sau từ 1-3 tháng kể từ khi nhiễm bệnh, và đạt đỉnh điểm sau 4 tháng. Sau 6-9 tháng bệnh nhân sẽ tự khỏi.