Bảng xếp hạng được đưa ra dựa trên số điểm Index từ YouGov BrandIndex, chỉ số dùng để đo lường sức khỏe thương hiệu tổng thể, được tính dựa trên lấy điểm trung bình từ các chỉ số Ấn tượng chung, Chất lượng sản phẩm/dịch vụ, Giá trị đồng tiền, Sự hài lòng, Mức độ giới thiệu và Danh tiếng doanh nghiệp. Năm 2022, Samsung đứng đầu bảng với 49,4 điểm.
Sau ảnh hưởng của Covid19 dẫn đến sự đình trệ của các chuyến bay quốc tế, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines năm nay đứng ở vị trí thứ 2, đạt được điểm tổng hợp 44,3 điểm.
Nền tảng thương mại điện tử Shopee – thương hiệu có sự tiến triển vượt bậc nhất năm 2021 – đứng thứ ba, với số điểm tổng hợp là 43,8.
Đáng chú ý, bảng xếp hạng 10 Thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam bao phủ đa dạng các lĩnh vực và ngành hàng. Các công ty điện tử chiếm hai trong số năm công ty hàng đầu, với tập đoàn Panasonic của Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 4 với 37,7 điểm. Các công ty thức ăn nhanh và đóng gói sẵn chiếm 3 trong số 10 vị trí dẫn đầu, trong đó Kinh Đô (thứ 6), Omachi (thứ 7) và KFC (thứ 9) đều có thành tích tốt.
Ngành Tài chính, Thời trang và các thương hiệu bán lẻ hoàn thành danh sách cho các thương hiệu còn lại trong bảng xếp hạng. Siêu ứng dụng tài chính MoMo đứng thứ 5, nhà bán lẻ Thế giới di động đứng thứ 8 và thương hiệu giày dép Biti’s đứng thứ 10.
Nhận xét về Bảng xếp hạng Thương hiệu Tốt nhất của YouGov tại Việt Nam 2022, ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành của Decision Lab, đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam, cho biết, Bảng xếp hạng Thương hiệu Tốt nhất theo YouGov cho thấy lòng trung thành với thương hiệu rất quan trọng đối với người tiêu dùng Việt Nam. Mặc dù điểm số của các công ty đã thay đổi và khoảng cách thu hẹp, ba công ty hàng đầu vẫn giữ nguyên vị trí vào năm 2022.
Bài học rút ra ở đây là các thương hiệu khi muốn tăng thị phần của họ không chỉ cần đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao mà còn cả danh tiếng thương hiệu. Điều này sẽ giúp xây dựng sự gắn bó lâu dài với thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng.