Quy định mới này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các trang mạng xã hội lớn như Facebook và Twitter tại đây.
Trong hầu hết các trường hợp, Chính phủ sẽ quyết định khi nào nên có hành động chống lại một nội dung bị xem là giả mạo. Các trang web có quyền đề nghị tòa án rà soát các đính chính hoặc lệnh gỡ nội dung mà Chính phủ đưa ra, nhưng chỉ sau khi lệnh đó được ban hành.
"Đạo luật này nhằm giải quyết những thông tin sai lệch, không phản ánh đúng sự thật", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Singapore K. Shanmugam phát biểu. "Đạo luật không nhằm vào quan điểm. Các bạn có thể giữ bất kỳ quan điểm nào, cho dù hợp lý hay không hợp lý".
Động thái của chính phủ Singapore được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg kêu gọi quản lý mọi thứ từ phát ngôn thù địch trên mạng đến bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư. Trong khi Facebook đề nghị các nhà quản lý khắp thế giới đề ra tiêu chuẩn với nội dung trên mạng, các chính phủ như Singapore cho rằng vấn đề đủ nghiêm trọng để có hành động ngay lập tức.
Singapore sẽ gia nhập cùng Pháp và Đức triển khai quy định chống lại tin giả mạo và giám sát các nền tảng kỹ thuật số chứa nội dung. Đây là một phần trong làn sóng triệt phá lợi dụng truyền thông xã hội cho mục đích xấu tại châu Á Thái Bình Dương.
Ngoài Singapore, các công ty truyền thông xã hội của Mỹ đang chịu sự giám sát ngày càng gia tăng ở châu Âu. Một đạo luật mới được EU thông qua có tên Cải cách luật bản quyền, được dự báo là sẽ có tác động rất lớn tới cách thức hoạt động của các ông lớn như Facebook, YouTube hay Google.
Singapore sẽ thành lập một Ủy ban đặc biệt.
Bộ trưởng Pháp luật Singapore K Shanmugam sẽ đề nghị thành lập một Ủy ban đặc biệt gồm 10 thành viên để nghiên cứu cách thức chống lại những đối tượng truyền bá thông tin sai lệch một cách cố ý có hiệu quả nhất, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý mà Singapore đang chuẩn bị tổ chức.
Ông Shanmugam cho biết: “Có một vài nhân tố nước ngoài mong muốn làm mất ổn định ở Singapore. Chúng tôi đảm bảo an ninh quốc gia sẽ không bị tổn hại”.
Tài liệu dự thảo Green Paper dẫn chứng sự kiện trục xuất một giáo sư có tên Huang Jing vào tháng 8/2017.
Chính phủ Singapore cho rằng, ông Huang đã sử dụng vị trí của mình tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu để cố ý và âm thầm thúc đẩy chương trình nghị sự của một nước khác bằng kinh phí của Singapore.