Trước đó, Qualcomm đã thắng Apple 2 vụ kiện tại Trung Quốc và Đức. Trong cả hai vụ kiện, Qualcomm đều đạt được phán quyết có lợi khi cấm bán thành công một số model iPhone của Apple.
Sau khi thua vụ kiện tại Trung Quốc, Apple đã chọn giải pháp cập nhật iOS để tránh án phạt của tòa án nước này dù hãng bị cấm bán tới 7 model iPhone. Mặc dù Qualcomm đã kháng cáo và khẳng định án phạt không chỉ áp dụng cho phần mềm mà còn liên quan đến cả phần cứng.
Tại Đức, iPhone của Apple đã vi phạm bằng sáng chế phần cứng thuộc sở hữu của Qualcomm. Chính vì lý do đó, Apple khó có thể dùng chiêu bài nâng cấp phần mềm như tại Trung Quốc để “lách luật”. Hãng chỉ còn một giải pháp duy nhất để lật ngược tình thế là thu hồi toàn bộ iPhone 7, 7 Plus, 8 và 8 Plus bị cấm bán, sau đó sửa đổi phần cứng và bán trở lại. Apple đang lên kế hoạch tung ra phiên bản tân trang của những model iPhone bị cấm bán tại Đức.
Apple sẽ sớm bán ra tại Đức thêm hai mã model mới và chưa hề được sử dụng trước đây là MN482ZD/A và MQ6K2ZD/A. Đây là dấu hiệu cho thấy có vẻ như Apple sẽ “tân trang” lại toàn bộ dòng iPhone 7 và iPhone 8 trước đây để tránh án phạt của tòa án Đức. Nhiều khả năng Apple sẽ bán trở lại các model iPhone 7/7 Plus và iPhone 8/8 Plus trang bị chip quản lý năng lượng mới trong vài tuần tới.
Trước đó vào cuối tháng 12, tòa án Đức đã ra án phạt cấm bán iPhone 7 và iPhone 8 của Apple vì lý do vi phạm bằng sáng chế liên quan tới tính năng tiết kiệm năng lượng khi gửi và nhận tín hiệu không dây của Qualcomm. Thậm chí phía Qualcomm đã chấp hành nộp trái phiếu trị giá 1,5 tỷ USD để lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức.
Apple sau đó đã buộc phải ngừng bán iPhone 7/7 Plus và iPhone 8/8 Plus trên website bán hàng tại Đức và các cửa hàng bán lẻ. Hãng sau đó cũng kháng cáo nhưng chưa biết khi nào sẽ có kết quả. Nếu kháng cáo thành công, Apple có thể nhận được số tiền đặt cọc 1,5 tỷ USD của Qualcomm để bù đắp cho những thiệt hại của Apple trong suốt thời gian cấm bán iPhone.