Sáng 15/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường chính sách công-Đại học Tokyo tổ chức Diễn đàn nghiên cứu Việt Nam-Nhật Bản với chủ đề "Tăng cường hợp tác Việt Nam-Nhật Bản nhằm phát triển năng lượng bền vững ở tiểu vùng sông Mekong mở rộng giai đoạn hậu COVID-19."
Phát biểu tại diễn đàn, tiến sỹ Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cho biết:
"Việt Nam cũng cần nhìn nhận tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng một cách bền vững ở khu vực tiểu vùng sông Mekong (GMS) và đã thường xuyên, chủ động trao đổi với các quốc gia thành viên. Trong quá trình đó, chúng tôi đánh giá cao sự tham gia hỗ trợ tích cực của các đối tác ở cả trong và ngoài khu vực GMS”.
“Để đáp ứng nhu cầu năng lượng khu vực này một cách bền vững, Việt Nam đang nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng khác nhau, chứ không chỉ dựa vào các nguồn hóa thạch hay nguồn lợi thủy điện”, bà Hồng Minh nhấn mạnh.
Những hậu quả do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hình thái thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, cùng nhiều nhân tố khác như đô thị hoá nhanh, rừng tự nhiên tiếp tục bị khai thác trái phép, hành lang thoát lũ bị lấn chiếm, thủy điện, nhiệt điện làm ô nhiễm, lũ lụt... đã gây ra thiệt hại nặng nề cho người dân một số địa phương khi có mưa lớn, bão, lũ. Hội thảo này là cơ hội để cùng nhau nhìn nhận thực trạng vấn đề và nghiên cứu giải pháp phát triển nguồn năng lượng thay thế như điện gió, điện mặt trời - những nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) với chi phí rẻ hơn, an toàn hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn, đồng thời đưa ra khuyến nghị một số chính sách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Nhật Bản và gia tăng đóng góp vào phát triển năng lượng bền vững ở GMS.
Giáo sư Fukinari Kimura – Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ARIA) phát biểu: Các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng gồm Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung được đánh giá là tiểu vùng thành công nhất với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo nhanh trong 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, tính bền vững chưa được lưu tâm đúng mực trong khi thế giới đang nhanh chóng chuyển sang sản xuất và sử dụng năng lượng carbon thấp.
“Dù đều được dự báo sẽ cần thêm năng lượng trong thập niên tới, các nước ở khu vực GMS sẽ khó có thể phát triển bền vững và hiệu quả nếu chỉ xây dựng chính sách năng lượng một cách độc lập, không hài hòa với nhau. Chính ở đây, khu vực GMS vẫn cần gia tăng hợp tác nhằm hướng tới một chính sách năng lượng bền vững và hài hòa ở cấp vùng. Việc cần làm là xây dựng một chính sách cho thị trường năng lượng chung cho cả vùng GMS”, Fukinari Kimura nói.
Tiến sỹ Tô Minh Thu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao nêu ý kiến: “Cần nâng cao nhận thức của các nước về phát triển năng lượng bền vững cũng như thúc đẩy xây dựng thể chế cho thị trường năng lượng chung trong khu vực là việc rất cần thiết hiện nay”.
Theo báo cáo từ Hội thảo, những năm gần đây, Việt Nam thường nhấn mạnh đến phát triển bền vững, thể hiện bằng các chính sách. Tuy nhiên, khi chưa có một thị trường chung, thống nhất, những hợp tác giao thương về năng lượng của nước ta vẫn mang tính nhỏ lẻ, chỉ mua điện của Trung Quốc năm 2004, mua của Lào năm 2013.
Đánh giá ưu thế của Việt Nam trong khu vực kinh tế GMS, Tiến sỹ Tô Minh Thu phát biểu: “Việt Nam có ưu thế lớn trong việc cung cấp pin mặt trời. Ở nước ta, 3 trong 5 nhà sản xuất lớn nhất thế giới đang hoạt động hiệu quả, góp tỷ trọng lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo trong khu vực”.
Việc hợp tác phát triển năng lượng bền vững cũng có những khó khăn nhất định.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết các quốc gia tham gia vào cơ chế hợp tác tiểu vùng (ngoại trừ những đối tác chính bên ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản và Hòa Kỳ) đều có năng lực kinh tế khiêm tốn và phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ bên ngoài.
Cùng với đó, hiệu quả thực thi của một số cơ chế hoặc sáng kiến còn thấp; quá nhiều cơ chế hợp tác chồng chéo và trùng lắp các lĩnh vực, nội dung ưu tiên. Một số cơ chế sử dụng dự án của đối tác khác, dẫn đến những con số ảo và không phản ánh chính xác thực tế hợp tác trong khu vực.
Phát biểu bế mạc, tiến sỹ Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nói: “Cải cách kinh tế vẫn là một yêu cầu quan trọng với Việt Nam trong thời gian tới, cần thực hiện ngay giữa bối cảnh đại dịch Covid -19, không cần chờ đến kết thúc. Bài học cho các quốc gia trên thế giới trong năm vừa qua là sự cần thiết nâng cao khả năng chống chịu trước khủng hoảng để hướng tới sự phát triển bền vững hơn, tăng trưởng xanh hơn và bao trùm hơn. Sự phát triển bền vững không chỉ dừng lại ở phát triển con người và nâng cao năng suất lao động hay thực thi các cam kết thương mại mà còn cần phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và cơ sở đồng thuận xã hội”.
“Với bối cảnh hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng, vai trò của năng lượng và an ninh năng lượng càng trở nên quan trọng. Nhật Bản là đối tác quan trọng trong thương mại và đầu tư của khu vực ASEAN, các nước GMS và Việt Nam. Trong thời gian ngắn của Hội thảo, chúng ta khó có thể trao đổi hết những mong muốn, suy nghĩ của mình về phát triển năng lượng. Diễn đàn hôm nay chính là sự khởi đầu cho những nghiên cứu phát triển tiếp theo giữa 2 quốc gia”, bà Hồng Minh khẳng định.