Chiều 24/11, tại Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về công tác thông tin, tuyên truyền của Bộ TT&TT năm 2023.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Hoàng Anh Văn - Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho biết, các nền tảng xuyên biên giới là nơi phát tán nhiều nhất thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước. Do đó, muốn quản lý tốt không gian mạng thì phải đấu tranh buộc các nền tảng mạng xã hội tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Để làm được điều này, Bộ TT&TT đã triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh bằng pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật.
Theo đó, các hoạt động này bao gồm việc buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, sai lệch, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội. Đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp vì không có tiền lệ, không có quy định sẵn để thi hành.
Kết quả đấu tranh về nội dung, nếu như trước năm 2017, các nền tảng xuyên biên giới hầu như không hợp tác thì đến năm 2018-2019, đã bắt đầu hợp tác và từ năm 2020 đến nay, đã thực hiện các yêu cầu chặn, gỡ tài khoản, kênh với tỉ lệ đáp ứng lên tới trên 90%.
Kết quả cụ thể, từ năm 2018 đến nay, Facebook đã gỡ bỏ 15.691 bài viết xuyên tạc, 48 group ảnh hưởng trẻ em, tin giả, thông tin xuyên tạc, 353 tài khoản giả mạo, tin giả, tin xuyên tạc.
Youtube đã gỡ bỏ 2.000 quảng cáo vi phạm về thuốc, thực phẩm chức năng khám chữa bệnh, chặn gỡ 33 kênh và 83.082 video vi phạm.
TikTok đã chặn, gỡ 1.906 link, 149 tài khoản và chủ động chặn 3.568 video, xây dựng cổng tiếp nhận thông tin xấu độc.
Nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và toàn xã hội trong phòng chống tin giả, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Tổ chức truyền thông trên báo chí, trên mạng xã hội trong và ngoài nước về Bộ cẩm nang dưới nhiều hình thức như: Sách, clip tóm tắt, infographic… với mục đích nâng cao nhận thức về trách nhiệm trên không gian mạng cho người dùng Internet tại Việt Nam và cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó, xử lý tin giả, tin sai sự thật.
"Việc các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm đạt tỷ lệ trên 90% như hiện nay không chỉ giúp quản lý tốt hơn thông tin xấu độc, tạo sự công bằng trong công tác quản lý đối với các nền tảng trong nước và xuyên biên giới, mà còn giúp bảo vệ người dùng tốt hơn, an toàn hơn khi tham gia trên không gian mạng", đại diện Cục PTTH&TTĐT nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục viễn thông đã chia sẻ những kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách, đảm bảo an toàn thông tin trong tình hình mới cũng như kinh nghiệm xử lý tin giả, quản lý thuê bao di động...
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Bộ TT&TT đã chính thức công bố hình thành Mạng lưới truyền thông ngành TT&TT thống nhất, kết nối các cơ quan, đơn vị của Bộ TT&TT của ngành với các cơ quan báo chí, với 63/63 Sở TT&TT các địa phương nhằm thực hiện thống nhất nội dung truyền thông về các hoạt động của Bộ, của ngành và các địa phương trong cả nước.