Khái niệm “siêu máy tính” vốn gắn liền với các nhiệm vụ khoa học hạng nặng – từ mô phỏng khí hậu, thiết kế vật liệu mới, đến giải mã gene – thường đặt tại các trung tâm nghiên cứu quốc gia. Nhưng trong kỷ nguyên AI, định nghĩa này đang được mở rộng và tái cấu trúc.
Thay vì tập trung vào năng lực xử lý đơn thuần như trước đây, “siêu máy tính AI” mà Nvidia theo đuổi lại được xây dựng xoay quanh GPU – bộ xử lý đồ họa – với mục tiêu phục vụ cho việc huấn luyện và vận hành các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), như ChatGPT, Gemini hay Claude. Sự khác biệt không chỉ ở kiến trúc phần cứng mà còn ở khả năng tùy biến, tối ưu hóa cho khối lượng dữ liệu khổng lồ và nhu cầu huấn luyện liên tục.
DGX Spark – sản phẩm Nvidia mô tả là "máy tính AI cá nhân" – dù có ngoại hình nhỏ gọn, nhưng là minh chứng cho hướng tiếp cận phân cấp trong hạ tầng AI: từ thiết bị cá nhân tới siêu máy chủ đặt tại các trung tâm dữ liệu quốc gia.
Thông báo của Nvidia được Tổng thống Donald Trump “đồng phát sóng” trên mạng xã hội, diễn ra chỉ vài tháng sau khi chính quyền Mỹ tiếp tục mở rộng lệnh cấm xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc. Đây không phải ngẫu nhiên. Trong bối cảnh chip đang trở thành "dầu mỏ" mới, nơi sản xuất không chỉ quyết định giá thành mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và năng lực cạnh tranh chiến lược.
Việc Nvidia chọn đặt dây chuyền sản xuất chip Blackwell ở Arizona, lắp ráp máy chủ tại Texas và hợp tác cùng các đối tác như Foxconn hay Wistron, vừa đảm bảo chuỗi cung ứng khép kín trong biên giới Mỹ, vừa thể hiện tầm nhìn “AI Made in USA” mà Washington đang theo đuổi. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi xét đến sự phụ thuộc của ngành công nghệ Mỹ vào các trung tâm sản xuất tại châu Á trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Không phải ngẫu nhiên mà Nvidia chọn Texas làm cứ điểm sản xuất máy chủ AI, thay vì California – trung tâm công nghệ truyền thống. Tỉnh táo nhìn vào bản đồ chuỗi cung ứng, Texas gần với Mexico – nơi cung cấp tới 70% máy chủ nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời là bang có chi phí năng lượng thấp, môi trường pháp lý thân thiện và quỹ đất rộng lớn.
Thêm vào đó, bang này đang thu hút hàng loạt "đại gia" công nghệ như Apple, Tesla, và giờ là Nvidia. Trong giai đoạn đầu của dự án Stargate trị giá 500 tỷ USD do chính phủ Mỹ khởi xướng, các trung tâm dữ liệu AI cũng được quy hoạch đặt tại Abilene, Texas – cho thấy bang này ngày càng trở thành "căn cứ địa mới" của hạ tầng AI.
Dù tiềm năng là rất lớn, giới quan sát vẫn thận trọng với những tuyên bố "trăm tỷ đô" được đưa ra trong giai đoạn đầu của các chiến dịch công nghiệp AI. Không thiếu ví dụ về các dự án hạ tầng công nghệ từng thất bại do thiếu tầm nhìn dài hạn hoặc lệ thuộc vào chính trị.
Câu hỏi quan trọng không nằm ở chỗ Nvidia có xây được siêu máy tính hay không – họ thừa khả năng kỹ thuật. Vấn đề là: liệu hệ sinh thái phần mềm, nhân lực, dữ liệu và ứng dụng có thể phát triển kịp tốc độ phần cứng hay không? Và quan trọng hơn, siêu máy tính AI của Nvidia có thực sự góp phần định hình lại vị thế công nghệ của Mỹ trong kỷ nguyên AI, hay chỉ là một bước đi mang tính biểu tượng?