Hôm thứ Hai (11/12), thông báo chung của hai công ty cho biết, TikTok sẽ kết hợp hoạt động kinh doanh TikTok Shop của Indonesia với đơn vị thương mại điện tử Tokopedia của GoTo.
Theo thỏa thuận này, TikTok sẽ mua 75,01% cổ phần Tokopedia của GoTo, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, với giá 840 triệu USD và đưa hoạt động kinh doanh của TikTok Shop tại Indonesia vào thực thể Tokopedia mở rộng.
GoTo cho biết mối quan hệ đối tác chiến lược này sẽ "bắt đầu với giai đoạn thử nghiệm được thực hiện với sự tham vấn và giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý hữu quan”. Thỏa thuận dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2024.
Chính phủ Indonesia - vốn đang tìm cách bảo vệ các công ty địa phương, bao gồm hàng chục triệu doanh nghiệp nhỏ hơn - đã ra tín hiệu rằng họ đang phê duyệt thỏa thuận mới của TikTok và GoTo. Khi TikTok phát triển trở thành đối thủ lớn của Tokopedia và các công ty địa phương, các nhà chức trách Indonesia đã ban hành các quy định vào tháng 9/2023, buộc những công ty truyền thông xã hội như TikTok phải tách dịch vụ thanh toán của họ khỏi nội dung.
Được biết, TikTok Shop là tính năng phát triển nhanh nhất của ByteDance, công ty đang tìm kiếm nguồn doanh thu mới ngoài dịch vụ truyền thông xã hội phổ biến. Nền tảng này đã nhắm tới thị trường mua sắm trực tuyến của Indonesia, quốc gia có 278 triệu dân, làm khuôn mẫu cho việc mở rộng toàn cầu từ Mỹ sang châu Âu.
TikTok bắt đầu cung cấp tính năng mua sắm ở Indonesia vào năm 2021. Với sự thành công ngay lập tức, ứng dụng này đã mở rộng sang bán lẻ trực tuyến ở các thị trường khác, bao gồm cả Mỹ.
Đối với GoTo, tập đoàn internet lớn nhất Indonesia, thỏa thuận với TikTok có thể gặp rủi ro vì điều này sẽ giúp TikTok được tiếp tục hoạt động tại quốc gia này. Dù vậy, điều này cũng mang lại cho GoTo một đối tác truyền thông xã hội toàn cầu mạnh mẽ trong một thỏa thuận có thể thúc đẩy khối lượng mua sắm và thanh toán cho cả hai công ty.
Hồi tháng 10 vừa qua, TikTok Shop đã buộc phải ngừng hoạt động ở Indonesia - một trong những thị trường lớn nhất của công ty này, sau khi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cấm hoạt động bán hàng trên mạng xã hội để bảo vệ hàng triệu doanh nghiệp nhỏ. Quy định này đồng nghĩa các công ty truyền thông xã hội không được thực hiện giao dịch trực tiếp mà chỉ quảng cáo sản phẩm trên nền tảng của họ ở Indonesia.
Các nền tảng thương mại trực tuyến như Tokopedia, Shopee và Lazada thống trị thị trường thương mại điện tử Indonesia. Tuy nhiên, TikTok Shop đã giành được thị phần đáng kể kể từ khi ra mắt tại Indonesia năm 2021. Với 125 triệu người dùng, Indonesia là thị trường lớn thứ hai toàn cầu của TikTok, sau Mỹ.
Lệnh cấm của Indonesia được đưa ra sau khi ngày càng có nhiều dư luận kêu gọi tăng cường quy định quản lý mạng xã hội và thương mại điện tử. Nhiều người bán hàng theo hình thức trực tiếp cho rằng sinh kế của họ bị đe dọa do TikTok Shop và các nền tảng trực tuyến tương tự bán mặt hàng cùng loại với mức giá rẻ hơn đáng kể.