Willow, siêu chip mới ra mắt của Google, đã giải quyết được một trong những thách thức tồn tại gần 30 năm trong ngành điện toán lượng tử. Được thiết kế với khả năng giảm lỗi theo cấp số nhân, Willow không chỉ là bước tiến công nghệ mà còn mở ra cơ hội lớn cho các ứng dụng thực tế trong tương lai gần.
"Để tạo ra một máy tính lượng tử tốt, hệ thống cần thực hiện hàng nghìn phép tính trước khi gặp lỗi," Steve Brierley, CEO của Riverlane - công ty hàng đầu về xử lý lỗi lượng tử, chia sẻ. Và Willow chính là câu trả lời mà ngành công nghệ đã chờ đợi suốt nhiều thập kỷ.
Khác biệt hoàn toàn so với máy tính truyền thống dựa trên bit nhị phân (1 và 0), máy tính lượng tử hoạt động nhờ qubit, có thể tồn tại ở trạng thái 0, 1 hoặc cả hai cùng lúc. Điều này cho phép máy tính lượng tử xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ một cách song song, vượt xa khả năng của bất kỳ hệ thống máy tính thông thường nào.
Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của máy tính lượng tử là sự xuất hiện của lỗi ở cả hai chiều: lật bit (bit flip) và lật pha (phase flip). Điều này làm giảm độ chính xác và hiệu suất của hệ thống. Willow đã khắc phục được điểm yếu này bằng cách sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như Random Circuit Sampling RCS – một tiêu chuẩn khó vượt qua trong lĩnh vực lượng tử.
Kết quả Một viên kẹo công nghệ nhỏ bé như Willow có thể thực hiện phép tính chỉ trong chưa đầy 5 phút – điều mà những siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay cần đến 10 triệu tỷ tỷ năm, tức thời gian dài hơn cả tuổi thọ vũ trụ.
Ý nghĩa của Willow: Một bước tiến dài, nhưng còn nhiều thách thức
Sự đột phá của Willow đã nhận được sự công nhận từ các chuyên gia đầu ngành. Giáo sư Javad Shabani, Giám đốc Trung tâm Vật lý thông tin lượng tử tại Đại học New York, gọi đây là một trong những điểm nhấn của thập kỷ. Ông tin rằng công nghệ này sẽ đưa máy tính lượng tử đến gần hơn với ứng dụng thực tế.
Elon Musk cũng bày tỏ sự kinh ngạc trước khả năng của Willow, thậm chí để ngỏ kế hoạch đưa chip này lên các cụm máy tính không gian trong tương lai.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan về khả năng ứng dụng sớm của Willow. Giáo sư Kaden Hazzard tại Đại học Rice cho rằng, dù đột phá, Willow vẫn cần ít nhất vài năm để chứng minh tính hữu ích trong thế giới thực. "Máy tính lượng tử chưa thể thay thế các hệ thống thông thường ngay lập tức. Chúng ta cần hàng triệu qubit và khả năng sửa lỗi hoàn hảo để đạt đến ngưỡng ứng dụng."
Hiện tại, Google đã hợp tác với nhiều công ty trong các lĩnh vực như dược phẩm, khoa học vật liệu và năng lượng để nghiên cứu ứng dụng của Willow. Nhưng các chuyên gia dự đoán, phải mất ít nhất 5 năm nữa, siêu chip này mới có thể phát huy hết tiềm năng.
"Những lo ngại rằng Willow sẽ phá vỡ các tiêu chuẩn mã hóa tiên tiến là quá sớm," phó giáo sư Tirthak Patel từ Đại học Rice nhận định. "Việc giải mã những thuật toán phức tạp cần một siêu chip nhanh hơn nhiều."
Dù còn nhiều trở ngại, sự ra đời của Willow vẫn là minh chứng cho bước tiến lớn của ngành điện toán lượng tử. Với khả năng giảm lỗi ưu việt và tiềm năng ứng dụng rộng rãi, Willow không chỉ mở ra một chương mới cho công nghệ mà còn hứa hẹn thay đổi hoàn toàn cách con người giải quyết những bài toán phức tạp nhất trong thế kỷ 21.