Theo chính phủ Đức, An ninh mạng và thông tin có ý nghĩa to lớn đối với đất nước, nền kinh tế và xã hội, đại dịch COVID-19 một lần nữa chứng minh điều này.
Chính phủ Đức chủ trương không cấm các công ty nước ngoài tham gia phát triển mạng công nghệ 5G, song sẽ đặt ra những điều kiện nghiêm ngặt để có thể "lọc" các nhà sản xuất bị nghi ngờ. Dự luật có tên "Đạo luật thứ hai về nâng cao an ninh cho hệ thống công nghệ thông tin" sẽ đặt ra hai lớp kiểm định với các nhà thầu cung cấp linh kiện.
Bên cạnh việc kiểm tra về công nghệ còn có bước đánh giá chính trị về độ tin cậy của nhà sản xuất, trong đó có cam kết không chuyển dữ liệu cho các chính phủ nước ngoài. Một ủy ban hỗn hợp gồm các đại diện của Phủ Thủ tướng và các Bộ Nội vụ, Kinh tế, Ngoại giao sẽ tiến hành các đánh giá chính trị này.
Các nhà cung cấp cần thông báo kế hoạch xây dựng, thiết bị được sử dụng và bắt buộc phải đảm bảo an toàn thông tin, không để lọt dữ liệu ra nước ngoài, nếu vi phạm quy định sẽ phải chịu trách nhiệm. Chính phủ Đức cũng sẽ xem xét các yếu tố như ngoại giao và quốc phòng, nếu có bất kỳ nghi ngờ hoặc vi phạm của nhà cung cấp trong quá trình thực hiện, thiết bị có thể bị cấm.
Theo Deutsche News Agency, Luật An ninh Công nghệ Thông tin (còn được gọi là Luật Bảo mật CNTT 2.0) yêu cầu các nhà sản xuất thực hiện các cam kết sâu rộng, đặc biệt loại trừ hiệu suất kỹ thuật cho các mục đích phá hoại, gián điệp hoặc khủng bố và hứa hẹn bất kỳ dữ liệu nào cũng sẽ không chảy sang các chính phủ nước ngoài.
Văn phòng An ninh Thông tin Liên bang, cơ quan quản lý mạng của Đức, sẽ giới thiệu một nhãn bảo mật CNTT thống nhất. Nếu một nhà sản xuất chứng minh được là không đáng tin cậy, nó có thể bị loại hoàn toàn khỏi mạng 5G. Một ủy ban điều tra chung bao gồm Thủ tướng Đức, Bộ Nội vụ, Bộ Kinh tế và Bộ Ngoại giao sẽ điều tra các cáo buộc.
Chính phủ Đức đưa ra các quy định mới về an toàn công nghệ thông tin nêu trên trong bối cảnh nhà sản xuất Huawei của Trung Quốc bị một số nước cáo buộc là "không an toàn" và là công cụ do thám, điều mà Huawei và Chính phủ Trung Quốc mạnh mẽ bác bỏ. Mỹ và Anh đã loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng các thiết bị của nhà sản xuất này trong việc phát triển mạng 5G. Huawei cũng ra tuyên bố hoan nghênh dự luật mới nêu trên của Chính phủ Đức.
Các phương tiện truyền thông đã đưa ra những cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của luật này đối với Huawei. Tờ Times tuyên bố rằng các yêu cầu mới “có thể ngăn Huawei mở rộng 5G ở Đức”. Huawei được coi là "một nguy cơ bảo mật" và các chuyên gia lo ngại rằng công ty Trung Quốc "sẽ tiến hành các hoạt động gián điệp hoặc phá hoại".
Reuters dẫn lời giới chính trị Đức nói rằng Huawei “sẽ gặp khó khăn trong việc chứng minh uy tín của mình, ít nhất là về các thành phần mạng quan trọng”. Tuy nhiên, Wall Street Journal lại đưa ra bình luận, chính phủ Đức “tiến thêm một bước nữa trong việc cho phép sử dụng công nghệ của Huawei ở mạng di động 5G, cho phép công ty Trung Quốc đạt được một chiến thắng nhỏ ở lục địa châu Âu”.
Với tiêu chuẩn mạng di động 5G, dữ liệu sẽ được truyền tải theo thời gian thực. Điều này sẽ mở ra cho ngành công nghệ thông tin những cơ hội mới, song nguy cơ đi kèm cũng tăng mạnh, nhất là nguy cơ bị tấn công mạng. Với dự luật mới, Chính phủ Đức hy vọng có thể giảm thiểu các nguy cơ, đảm bảo cho Đức có một nền tảng công nghệ thông tin mạnh và an toàn. Dự luật mới sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua để có hiệu lực.