Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, ngành Trồng trọt đã ứng dụng xây dựng nhà màng, nhà lưới có hệ thống tự động hóa trong điều khiển hệ thống tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; hệ thống giám sát có thể phân tích đất đai, dự báo năng suất, phát hiện sâu bệnh, dịch hại; ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ canh tác không sử dụng đất, công nghệ Blockchain truy xuất nguồn gốc, công nghệ nhân nuôi tế bào thực vật quy mô công nghiệp sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong bón phân và phòng trừ dịch bệnh trên lúa.
Hà Nội đã tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trong đó có việc hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Cụ thể, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8-7-2015 của HĐND thành phố Hà Nội về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao vay vốn từ các quỹ của thành phố…
Theo PGS. TS Đặng Văn Đông, Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn qua tăng khá cao 4,54%/năm. Thành phố cũng phát triển nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở đô thị và xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp của thành phố còn đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Quá trình đô thị hoá nhanh đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, người nông dân mất đất canh tác cùng với thiếu việc làm, các vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên phát sinh.
Trong bối cảnh đó, phát triển nền nông nghiệp đô thị - thông minh, xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù của Hà Nội là định hướng quan trọng. Nông nghiệp đô thị cần phải gắn với việc phát triển hệ sinh thái, từ đó sẽ góp phần tạo mỹ quan đô thị, tạo nét văn hóa đô thị và cải thiện môi trường sinh thái theo hướng xanh- sạch- đẹp, hài hòa giữa thiên nhiên với con người.
Là địa phương có dân số lớn hơn 10 triệu người, ước tính mỗi tháng nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội vào khoảng 92.970 tấn gạo; 5.230 tấn thịt bò; 6.198 tấn thịt gà, vịt; 84.100 tấn rau củ... Với năng lực hiện tại, Hà Nội đáp ứng được 58% nhu cầu về thịt, 70% cá các loại, 90% trứng gia cầm, 65% rau củ tươi... Số còn lại là do các tỉnh, thành phố khác cung cấp cho Hà Nội.
Tuy nhiên, số lượng mô hình nông nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp thông minh của thành phố Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có của Thành phố, nhất là mô hình Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp thông minh; mô hình trang trại, gia trại, Hợp tác xã, làng nghề “Nông nghiệp số” quy mô lớn được ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh theo chuỗi giá trị từ khâu nghiên cứu chọn tạo giống, tổ chức sản xuất, nuôi trồng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ… Cùng với đó, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh.
Để phát huy được hết thế mạnh của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh hiện tại, TS. Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thành phố Hà Nội cho rằng, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần định hình lại hình thái để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Trước những yêu cầu mới của ngành Nông nghiệp, nếu đi theo hình thức tư duy hiện tại, nông nghiệp Thủ đô sẽ giống như nông nghiệp ven đô và mặt bằng chung của cả nước, thiếu sự kết nối, không phát huy được tiềm năng vốn có.
Lãnh đạo Thủ đô và các huyện, thị xã đã ban hành và thực thi nhiều cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Sự quan tâm của cả hệ thống chính trị cho phát triển nông nghiệp nông thôn đã được thể hiện rõ nét trong các chủ trương và giải pháp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm nhằm phục vụ nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu. Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã thúc đẩy liên kết với 21 tỉnh, thành phố cung cấp chuỗi rau, thịt an toàn cho Hà Nội. Đến nay, Hà Nội và các địa phương khác đã phát triển được 766 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm.
Đối với việc phát triển nông nghiệp đô thị thông minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho rằng đây là vấn quan trọng. Cùng với việc phát triển kinh tế nông nghiệp truyền thống, phải chú trọng cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, du lịch, chống biến đổi khí hậu, tích trữ tài nguyên nước... Do đó mỗi lĩnh vực sản xuất đòi hỏi phải có công nghệ thông minh để giảm thiểu tác hại và nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm.
"Thành phố Hà Nội đã quy hoạch khu ngoại ô, theo đó, 5 huyện chuẩn bị lên quận, tiến tới thành lập 5 Thành phố vệ tinh xung quanh. Với kết nối như vậy, nông nghiệp Hà Nội sẽ phải quy hoạch không gian phù hợp, đi theo đó là những yêu cầu về công nghệ. Đây sẽ là điều kiện để phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.”- ông Tạ Văn Tường cho biết.
Theo TS. Lê Như Ý, Hà Nội cần dựa vào bản chất của khoa học và công nghệ nông nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trên cơ sở đó có những gợi suy về phát triển nông nghiệp đô thị của Thành phố. Công nghệ trong các phân ngành cần được phát triển theo hướng ứng dụng những công nghệ tiên tiến.
Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và chế biến nông sản, công nghệ hiện đại cần được sử dụng trong dự báo, phòng trừ dịch hại, kiểm dịch thực vật và bảo quản nông sản tập trung; ưu tiên chuyển giao công nghệ và thiết bị sơ chế, chế biến sâu nông sản hàng hóa chủ lực kể cả công nghệ và thiết bị bảo quản thủy sản.
Đối với công nghệ viễn thám, tin học và viễn thông cần dành ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng trong điều tra, kiểm kê rừng, giám sát suy thoái phá rừng, phòng, chống cháy rừng và cảnh báo thiên tai; nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong quản lý các loại cây trồng nông nghiệp; cảnh báo, dự báo và giám sát sâu bệnh hại; vận hành hệ thống thủy lợi giám sát và cảnh báo lũ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Về công nghệ sinh học, cần nghiên cứu ứng dụng và làm chủ được công nghệ chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực có khả năng kháng bệnh, chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất vaccine thế hệ mới phục vụ chăn nuôi.... Đi theo hướng này, cần xây dựng và thực hiện các đề án chuyên ngành về phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp đến năm 2030.
Trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao cần lưu ý nghiên cứu phát triển và ứng dụng vào sản xuất sản phẩm chủ lực; ứng dụng công nghệ để tạo ra và nhân nhanh giống mới; phát triển cây, con giống có chất lượng cao… Trong đánh bắt thủy sản cần phát triển công nghệ tiên tiến theo hướng hiệu quả gắn với bảo vệ bền vững nguồn lợi.
Theo những dịnh hướng phát triển công nghệ phân ngành và từng lĩnh vực, nông nghiệp Thủ đô cần mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sau thu hoạch và chế biến bảo quản. Cùng với những hoạt động này, phải coi trọng việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị trong nước chưa làm được trên cơ sở, nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ được công nghệ nhập từ bên ngoài.