Đây là đoàn đại biểu các cơ quan cấp tỉnh đầu tiên của Quảng Tây đến thăm Việt Nam kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát 3 năm qua. Đoàn đại biểu kinh tế thương mại Quảng Tây lần này có tổng cộng 50 đại biểu, bao gồm đại diện Sở Thương mại, Hải quan Nam Ninh, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quảng Tây, Sở Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Sở Giao thông vận tải, đại diện các đơn vị phụ trách thương mại của các địa phương thuộc tỉnh Quảng Tây và đại diện gần 30 doanh nghiệp của tỉnh Quảng Tây.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong giao lưu hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại trên nhiều lĩnh vực: Xây dựng và quản lý khu công nghiệp, sản xuất máy móc công trình, sản xuất và kinh doanh ô tô, xuất nhập khẩu nông sản….Việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hợp tác kinh tế thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, kim ngạch thương mại sẽ được mở rộng hơn nữa, mang lại cơ hội hợp tác tốt hơn cho doanh nghiệp hai bên.
Ông Điêu Vệ Hồng - Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) nhấn mạnh: “Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây trên thế giới trong 23 năm liên tục, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu của hai bên đã đạt 200 tỷ nhân dân tệ. Hiện nay, Quảng Tây đã ghi nhận và phê duyệt tổng số 181 doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam (loại hình phi tài chính), tổng số tiền đầu tư theo cam kết của Trung Quốc là 1,26 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực tế là 140 triệu USD.
Các doanh nghiệp Quảng Tây ký kết hợp đồng công trình với doanh thu hoàn thành lũy kế là 1,09 tỷ USD; Việt Nam đã thành lập tổng cộng 57 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Quảng Tây, tổng vốn đầu tư nước ngoài theo hợp đồng là 184 triệu USD. Quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam đã bước vào giai đoạn nâng cấp quan trọng. Chúng tôi mong muốn tận dụng cơ hội chuyến thăm Việt Nam lần này, với trọng điểm là thảo luận về hợp tác, xây dựng cơ chế, xúc tiến thương mại, với mục tiêu quảng bá ‘Trạng thái Quảng Tây, Thực lực Quảng Tây’ đến phía Việt Nam”.
Tại hội nghị, ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đánh giá, đây là hoạt động trực tiếp đầu tiên cấp địa phương của Trung Quốc được tổ chức tại Việt Nam, kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các quy định phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 8/1, cho thấy sự coi trọng của chính quyền, các cơ quan liên quan, doanh nghiệp Quảng Tây đối với hoạt động kinh tế thương mại đối với Việt Nam.
Theo thống kê của Hải quan Nam Ninh, Trung Quốc, kim ngạch xuất, nhập khẩu trong 11 tháng năm 2022 giữa Quảng Tây và Việt Nam đạt 172,65 tỷ nhân dân tệ, tương đương 25,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Tây với thế giới.
Tuy nhiên, ông Tô Ngọc Sơn cho rằng, hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai nước cũng gặp không ít khó khăn. Trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với Trung Quốc thông qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn sụt giảm tới 39,4% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua các cửa khẩu tại Quảng Ninh giảm 68,7% so với cùng kỳ.
Do đó, ông Tô Ngọc Sơn kiến nghị, Sở Thương mại Quảng Tây phối hợp với các cơ quan liên quan của phía Quảng Tây sớm hoàn thiện quy trình, quy định đối với người và hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan, khôi phục trạng thái thông quan như trước khi dịch Covid-19.
Trong khuôn khổ Hội nghị giao thương, có 8 hạng mục hợp tác kinh tế thương mại được xác nhận tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bê. Trong đó có 3 hạng mục là Thỏa thuận hợp tác khung được ký kết bởi doanh nghiệp có vốn nhà nước, 5 hạng mục là hợp đồng đặt hàng hàng năm giữa các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, giá trị các hợp đồng thương mại dự kiến có thể đạt 900 triệu Nhân dân tệ.
Cũng tại hội nghị, các doanh nghiệp hai bên đã có phiên giao thương trực tiếp nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa, tiềm năng thị trường, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư trong thời gian tới.