Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo Nguyễn Lệ Thủy cho biết, Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể khi tăng 10 bậc kể từ năm 2015. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 sau khi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng đổi mới sáng tạo của nước ta còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã và đang làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong sự thay đổi này, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đang ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi tổ chức, mỗi quốc gia.
Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý chia sẻ quan điểm, chủ thể chính thực hiện đổi mới sáng tạo chính là cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng tạo ra việc làm và tạo ra tăng trưởng. Với doanh nghiệp, hoạt động đổi mới sáng tạo chính là quá trình nghiên cứu, phát triển, làm mới sản phẩm, thay đổi quy trình, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh, nhằm tạo ra nhiều lợi ích hơn, đóng góp cho xã hội những giá trị cao hơn. Việc doanh nghiệp thiếu thông tin về các chính sách, các hình thức hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo là một rào cản khiến doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội, hay chưa phát huy tốt những điều kiện thuận lợi trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng đổi mới sáng tạo của nước ta còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện. Về phía Nhà nước, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ (cả khu vực Nhà nước và tư nhân) chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)... Về phía, doanh nghiệp, một cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc “Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39,3%) mà ít có nghiên cứu và phát triển.
Các doanh nghiệp Việt Nam chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như: Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%), khoảng 80% doanh nghiệp cho biết chưa có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Để hỗ trợ nền kinh tế cũng như doanh nghiệp phục hồi trong đại dịch Covid-19, ông Ngô Long Giang, Giám đốc Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ; cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh.
Chủ tịch HĐTV Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hoàng Thị Hồng cho biết, ngày 10/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV. Theo đó, hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV với các chức năng cho vay, tài trợ vốn là một trong những giải pháp cấp thiết để hỗ trợ tài chính cho DNNVV trong bối cảnh “khát vốn” ngày càng lớn của cộng đồng này.
Bà Hoàng Thị Hồng cho biết, Quỹ rất mong muốn hỗ trợ tài chính cho các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, DNNVV tham gia chuỗi giá trị. Mức cho vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi. Tối đa không quá 7 năm. Các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo muốn vay vốn chỉ cần có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay quy định pháp luật có liên quan.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra với quy mô lớn, tốc độ rất nhanh. Trong bối cảnh này, đổi mới sáng tạo (Innovation) là tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia và trở thành ngôn ngữ chung, có ý nghĩa toàn cầu. Tại Việt Nam, yêu cầu đặt ra là cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong các ưu tiên hàng đầu.
NIC đang trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận các nguồn lực để đẩy nhanh mô hình tăng trưởng. Theo đó, NIC mong muốn kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Cùng với đó, NIC có nhiều hoạt động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối các doanh nhân, tri thức trong và ngoài nước phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.