Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam, sáng ngày 24/3, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ Hội thảo Công bố báo cáo cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số của Việt Nam.
Báo cáo được thực hiện nhằm nghiên cứu, cập nhật những quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam; rà soát, phân tích các nội dung cam kết trực tiếp về sở hữu trí tuệ trong một số điều ước quốc tế của Việt Nam, mà trọng tâm là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Bên cạnh đó, báo cáo phân tích yêu cầu hoàn thiện quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam nhằm hỗ trợ chuyển đổi số; phân tích một số thách thức đối với yêu cầu sửa đổi các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ phù hợp với các cam kết quốc tế và kiến nghị một số định hướng đổi mới kinh tế nhằm tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ gắn với bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Trần Hồng Minh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: Tương tác giữa hội nhập kinh tế quốc tế với việc hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ là một nội dung quan trọng, phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế của Nhà nước về mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại. Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về sở hữu trí tuệ không chỉ có ý nghĩa đối với hội nhập quốc tế mà còn đối với công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Trình bày kết quả nghiên cứu “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ; tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong Chỉ số sáng tạo toàn cầu; hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao.
Để cải thiện chất lượng của hệ thống sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, Báo cáo đưa ra 4 nhóm kiến nghị chính sách đối với sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể là, cách tiếp cận đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cần hướng tới nội luật hóa sớm hơn và cao hơn so với các cam kết quốc tế để tạo động lực cho doanh nghiệp và thích ứng với môi trường chuyển đổi số.
Cùng với đó, nâng cao năng lực và ý thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân. Đồng thời, cần vận dụng cơ sở giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc xử lý dân sự các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp và cá nhân.