Liên minh châu Âu (EU) là một liên minh gồm 28 quốc gia ở khu vực châu Âu và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có FTA nào với các quốc gia trong khu vực này. EU đã từng khởi động đàm phán FTA với khu vực ASEAN từ năm 2007, tuy nhiên đến năm 2009 đàm phán đã bị dừng lại. Về quan hệ song phương với từng quốc gia ASEAN, hiện EU đã ký kết FTA và IPA với Singapore, đã ký kết FTA và IPA với Việt Nam, và đang đàm phán FTA với Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia. Năm 2018, EU là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.
Với EVFTA, cơ hội mở ra rất lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít thách thức không chỉ ở thị trường EU mà còn ở chính trên “sân nhà”. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam phải vượt qua 4 thách thức khi tham gia Hiệp định thương mại EVFTA.
Thứ nhất chính là các yêu cầu về quy tắc xuất xứ có thể khó đáp ứng. Thông thường hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.
Thứ hai, Việt Nam bị vướng vào các rào cản TBT (hàng rào kỹ thuật thương mại), SPS (Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật) và yêu cầu của khách hàng cao. EU là một thị trường khó tính. Khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường...của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này.
Thứ ba là các doanh nghiệp cũng có nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại. Thông thường khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ nữa, doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Và EU cũng là một trong những thị trường có “truyền thống” sử dụng các công cụ này.
Thứ tư chính là sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU. Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa do chất lượng hàng hóa của EU đạt chất lượng cao. Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA. Tuy nhiên, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
“Ký kết hiệp định này cũng như FTA khác, đó là thông thị trường, tiếp đến phải thoáng về thể chế. Thị trường thông rồi, mở ra rồi mà thể chế trói buộc như bó tay bó chân thì doanh nghiệp chết chắc. Tham gia EVFTA, không phải thả doanh nghiệp xuống hồ, xuống sông mà xuống đại dương. EVFTA và IPA với những tiêu chuẩn cao nhất sẽ tạo áp lực và động lực cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh công bằng để từng bước quốc tế hoá doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh kỳ vọng: “Các cam kết trong EVFTA sẽ hàm chứa những động lực cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Những cải cách về khung khổ luật pháp, cơ chế quản lý sẽ tác động đến định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam, nền kinh tế sẽ thực sự chuyển mình ở tầm vóc mới”.