Theo báo cáo của Diễn đàn về rác thải từ trang thiết bị điện và điện tử (WEEE), hiện thế giới có hơn 16 tỷ điện thoại di động đang được sử dụng và 1/3 số thiết bị này sẽ bị vứt bỏ trong năm 2022. Nhưng điều đáng nói là chỉ một phần nhỏ trong số lượng điện thoại này được xử lý đúng cách.
Báo cáo chỉ ra khối lượng “núi rác” thiết bị điện tử từ máy giặt, lò nướng đến máy tính bảng, điện thoại sẽ chạm mốc 77 triệu tấn vào năm 2030 và chỉ 17% trong số chúng được tái chế và tái sử dụng.
Các chuyên gia của WEEE cho biết hầu hết smartphone hiện nay chứa vàng, bạc, đồng, palladi và một số thành phần có thể tái chế khác, hầu hết điện thoại di động không còn sử dụng sẽ bị cất giữ, vứt đi hoặc đốt bỏ, gây ra các vấn đề lớn về môi trường và sức khỏe.
Trên thực tế, chúng bị ném vào tủ trong các hộ gia đình, vứt bừa bãi ở các bãi chôn hoặc bị đốt trong các lò tiêu hủy rác thải sinh hoạt. Một khi hết vòng đời sử dụng, các thiết bị sẽ bị người dùng bỏ quên trong các hộc tủ, nhà kho… thay vì tái sử dụng hay đem đi đến các nơi tái chế.
Điện thoại di động chỉ là "phần nổi của tảng băng trôi" nặng 44,48 triệu tấn gồm rác thải điện tử không được tái chế hàng năm trên toàn cầu, theo thống kê của Global E-waste Monitor năm 2020.
Trong 5,3 tỷ điện thoại, nhiều chiếc sẽ được cất giữ thay vì vứt vào bãi rác, theo một cuộc khảo sát tại 6 nước châu Âu từ tháng 6 - 9/2022. Điều này xảy ra khi mọi người để quên điện thoại trong ngăn kéo, tủ quần áo, tủ chén bát hoặc garage thay vì mang chúng đi sửa hoặc tái chế.
Ước tính mỗi người tích trữ tới 5 kg thiết bị điện tử trong các gia đình châu Âu trung bình. 46% trong số 8.775 hộ gia đình được khảo sát coi tiềm năng sử dụng trong tương lai là lý do chính để cất giữ các thiết bị điện và điện tử nhỏ. 15% khác dự trữ thiết bị với ý định bán hoặc tặng, trong khi 13% giữ chúng do "giá trị tình cảm".
“Mọi người thường không nhận ra rằng đây là những vật liệu quan trọng có giá trị cao. Những linh kiện này dù nhỏ nhưng nếu tính trên phạm vi toàn cầu, nó sẽ tạo ra một khối lượng lớn thiết bị bị bỏ phí”, Pascal Leroy, Tổng thư ký Diễn đàn WEEE, khẳng định.
Bên cạnh đó, WEEE cũng cho biết, hàng nghìn tấn rác thải điện tử được vận chuyển từ các nước phát triển đến nước đang phát triển mỗi năm, làm tăng thêm gánh nặng tái chế cho những nước này. Tại đó, phương tiện để xử lý rác thải điện tử an toàn thường thiếu thốn, khiến chất độc hại như thủy ngân và nhựa có thể gây ô nhiễm đất, nước, thậm chí xâm nhập vào chuỗi thức ăn.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều hãng công nghệ đã đề ra biện pháp. Apple cam kết sẽ giảm thiểu lượng phát thải nhà kính bằng cách tái chế vàng, coban, nhôm và các chất hiếm khác trong sản phẩm của mình. Phiên bản iOS 16.1 mới nhất cũng vừa được bổ sung chế độ Clean Energy Charging, giúp tối ưu hóa thời gian sạc để ưu tiên chọn thời điểm lưới điện sử dụng các nguồn năng lượng “sạch”.
Bên cạnh đó, Google cũng cho biết chiếc Pixel 7 và Pixel 7 Pro mới ra mắt của hãng sử dụng 100% vật liệu nhôm tái chế cho phần vỏ nhám của mình.