Trung Quốc đang trau dồi khả năng công nghệ kỹ thuật trong mạng truyền thông thế hệ thứ sáu, dự kiến sẽ được triển khai thương mại vào năm 2030. Sự phát triển 6G của nước này nhiều khả năng sẽ chậm lại do những hạn chế đối với Huawei Technologies được đưa ra từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2019. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh vẫn duy trì việc cạnh tranh bằng cách huy động công ty nhà nước và các trường đại học.
Theo khảo sát do Nikkei Asia phối hợp với hãng nghiên cứu Cyber Creative Institute thực hiện, trong khoảng 20.000 đăng ký bằng sáng chế cho 9 công nghệ cốt lõi của mạng viễn thông thế hệ thứ 6 (6G), Trung Quốc nắm giữ tới 40,3% bằng sáng chế - nhiều nhất thế giới. Mỹ đứng thứ hai với 35,2% tổng số bằng sáng chế.
Trung Quốc và Mỹ vượt xa quốc gia đứng thứ 3 là Nhật Bản với 9,9% tổng số bằng sáng chế. Theo sau là châu Âu và Hàn Quốc với lần lượt 8,9% và 4,2%.
Huawei nắm giữ số lượng bằng sáng chế 5G nhiều nhất thế giới với gần 12% thị phần. Hãng viễn thông Trung Quốc có khả năng cũng sẽ hiện diện mạnh mẽ trong công nghệ 6G. Huawei tuần trước tuyên bố sẽ bắt đầu phát triển 6G của riêng mình bất chấp những biện pháp trừng phạt của chính quyền Washington.
“Các công ty khác ngoài Huawei cũng đang có được bằng sáng chế 6G, điều này cho thấy sự phát triển công nghệ của Trung Quốc đang được cải thiện”, Giám đốc Cyber Creative Institute Takafumi Saito nói.
Được biết, Trung Quốc không chỉ ưu tiên công nghệ truyền thông 6G theo sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) mà còn hỗ trợ tài chính cho các nước khác khi họ xây dựng mạng 5G ở châu Phi và Trung Đông.
Mạng viễn thông 6G, được cho là có tốc độ gấp hơn 10 lần so với 5G, cho phép lái xe tự động hoàn toàn, xem thực tế ảo với độ nét cao và kết nối Internet toàn cầu, kể cả ở những sa mạc xa xôi.
Mỹ và Trung Quốc không phải là những nước duy nhất cạnh tranh để giành vị trí tối cao trong công nghệ 6G. Tại châu Âu, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Thụy Điển Ericsson và Đại học Oulu ở Phần Lan đã xuất bản sách trắng 6G. Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu chuẩn hóa, bao gồm thành lập một nhóm nghiên cứu của Viện Tiêu chuẩn viễn thông châu Âu. Còn tại Hàn Quốc, Samsung Electronics và LG Electronics cũng đã thành lập các trung tâm phát triển 6G, trong khi chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực đầu tư vào công nghệ quan trọng này.
Hiện tại, Huawei là công ty nắm giữ nhiều bằng sáng chế 5G lớn nhất với gần 12%. Tập đoàn viễn thông khổng lồ này giờ đây muốn dẫn đầu thế giới về công nghệ 6G. Hồi tháng 8, Huawei cho biết sẽ bắt đầu tự phát triển công nghệ 6G bất chấp các cấm vận của Mỹ.
Tháng 12/2020, Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh 6G đầu tiên trên thế giới. Theo các chuyên gia, lệnh cấm vận của Mỹ có thể khiến các công ty Trung Quốc gặp khó khi xây dựng các trạm gốc thế hệ tiếp theo hoặc sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) tiên tiến. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu và phát triển với sự hậu thuẫn của chính phủ không vì thế mà hạ nhiệt.
Trong khi đó, Mỹ, với nhiều công ty Internet và smartphone, có khả năng phát triển kỹ thuật về thiết bị đầu cuối và phần mềm. Qualcomm và Intel đều đã mua lại nhiều bằng sáng chế về chip sử dụng trong smartphone và các thiết bị công nghệ thông tin khác.
Còn tại Nhật Bản, quốc gia đứng thứ ba về số lượng bằng sáng chế 6G, công ty Nippon Telegraph & Telephone sở hữu nhiều bằng sáng chế liên quan đến mạng lưới cơ sở hạ tầng di động và viễn thông quang học ở khu vực đô thị, trong đó có công nghệ giảm tắc đường.
Liên minh Viễn thông Quốc tế, một cơ quan của Liên hợp quốc (UN), cùng các nhóm ngành dự kiến bắt đầu thảo luận về việc tiêu chuẩn hóa mạng 6G vào khoảng năm 2024. Với nhiều bằng sáng chế trong tay, Trung Quốc được cho là sẽ có tiếng nói lớn và ở "cửa trên" khi xây dựng các quy tắc liên quan tới 6G.