Mức tăng này chủ yếu đến từ các nước Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc song phần lớn quốc gia khác cũng dự kiến sẽ tăng vay nợ.
Theo báo cáo, trong năm 2021, nợ chính phủ toàn cầu đã tăng 7,8% lên 65.400 tỷ USD khi mọi quốc gia đều tăng vay nợ, trong khi chi phí trả nợ giảm xuống mức thấp kỷ lục 1.010 tỷ USD.
Tuy nhiên, chi phí trả nợ dự kiến sẽ tăng đáng kể trong năm nay, khoảng 14,5% trên cơ sở tiền tệ không đổi, lên 1.160 tỷ USD.
Trong đó, Anh sẽ cảm nhận được tác động mạnh nhất từ việc tăng lãi suất và lạm phát gia tăng đối với số nợ đáng kể của mình cùng với các chi phí liên quan đến việc tháo gỡ chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương Anh.
Đức đã tuyên bố tăng chi tiêu cho quốc phòng lên hơn 2% GDP và cam kết tài trợ 100 tỷ euro cho các dịch vụ quân sự của nước này.
Do đó, theo báo cáo mới nhất của S&P Global Ratings, nợ có chủ quyền mới dự kiến đạt 10.400 tỷ USD trong năm 2022, cao hơn gần 1/3 so với mức trung bình trước đại dịch.
"Chúng tôi cho rằng việc vay nợ sẽ tiếp tục tăng cao do nhu cầu đảo nợ cao cũng như các thách thức bình thường hóa chính sách tài khóa do đại dịch, lạm phát cao và tình hình chính trị, xã hội phân cực", nhà phân tích tín dụng Karen Vartapetov của S&P Global Ratings cho biết.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng những tác động lên kinh tế vĩ mô của cuộc xung đột đang diễn ra sẽ gia tăng áp lực lên nhu cầu tài trợ của chính phủ, trong khi các điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn sẽ làm tăng chi phí tài trợ của các chính phủ.
Điều này là một vấn đề đau đầu đối với các quốc gia đang vật lộn để khôi phục tăng trưởng và cắt giảm phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ cũng như những người vốn đang chịu các khoản nợ với lãi suất cao đáng kể.
Ở các nền kinh tế phát triển, theo S&P, chi phí vay nợ cũng được dự báo tăng lên nhưng vẫn ở mức cho phép các chính phủ có thời gian củng cố ngân sách và tập trung cải cách kích thích tăng trưởng.