Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, hãng Vietjet Air có gần 2.900 chuyến bay bị chậm, tăng hơn 20% so với cùng kỳ; Vietnam Airlines hơn 2.200 chuyến, tăng hơn 18% so với cùng kỳ. Tình trạng này gây bức xúc cho người dân khi nhu cầu đi lại dịp hè tăng cao.
Tại cuộc họp ngày 13/7 về việc xử lý tinh trạng chậm, hủy chuyến bay trong thời gian vừa qua, ông Hồ Minh Tấn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) nhận định, tình hình chậm chuyến ở sân bay Tân Sơn Nhất trong tháng 6/2022 khá nghiêm trọng.
Ngoài yếu tố về hạ tầng sân bay đang bị quá tải thì việc xếp chỗ máy bay trên bãi đỗ chưa hợp lý, chưa tính đến thời gian khởi hành của tàu bay. Tàu khởi hành trước thì lại đỗ bên trong, đỗ xa hơn. Tàu khởi hành sau thì lại đỗ ngoài. Có những tàu chỉ lăn ra đường băng đã mất 15-20 phút.
Kế đó, ông Tấn cũng nhắc đến bất cập trong phương thức cấp huấn lệnh đường dài. Có hãng xin trước 30 phút, có hãng lại 20 phút… Thời gian chiếm dụng đường băng của phi công cũng là vấn đề cần quy định, kiểm soát. Bên cạnh đó, việc chưa có quy định về thời gian chiếm dụng đường băng cũng là một yếu tố có thể gây chậm trễ.
Một nguyên nhân nữa được bàn đến, theo ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không đó là nguyên nhân do thời tiết xấu.
“Nếu biết chắc Tân Sơn Nhất đang mưa lớn và không thể cất hạ cánh, cho phép tàu bay chưa cất cánh tại các sân bay đi. Bởi vì có bay đi thì đến nơi cũng sẽ phải bay vòng cả tiếng đồng hồ. Hành khách thà đợi ở mặt đất còn hơn phải bay chờ trên trời, tốn nhiên liệu cho hãng hàng không”, ông Sơn nói.
Không hãng hàng không nào muốn bị chậm, hủy chuyến
Về phía hãng hàng không, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang khẳng định không hãng nào muốn chuyến bay của mình bị chậm, hủy, bản thân hãng đã phải tìm mọi cách để đảm bảo an toàn, giá hợp lý và đúng giờ. Tuy nhiên, thị trường đang tăng trưởng trở lại vượt xa mọi dự báo và bản thân các hãng không tính hết được.
Tổng giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương cũng cho rằng, thị trường nội địa trong tháng 6 vừa qua đã tăng kỷ lục 38% so với năm 2019 mà hệ thống hàng không vẫn vận hành trơn tru, đây là nỗ lực lớn của ngành hàng không. Nhu cầu đi lại của người dân được bảo đảm. Điều này càng có ý nghĩa khi nhìn ra thế giới, các nước châu Âu, Mỹ phải huỷ hàng trăm nghìn chuyến bay vì hệ thống hàng không không đáp ứng được sau dịch COVID-19.
Ghi nhận các nguyên nhân, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã nêu nhiều giải pháp, như các đơn vị điều hành bay, tổng công ty cảng hàng không bàn lại quy chế điều phối sân đỗ, linh hoạt giờ bay. Với việc chiếm dụng đường băng, từng sân bay phải có quy định cụ thể. Đặc biệt, với Nội Bài, Tân Sơn Nhất, phi công đảm bảo hạ cánh 60 giây là phải thoát khỏi đường băng, khi cất cánh cũng chỉ được tối đa 30 giây. Tổ bay nào không đáp ứng quy định sẽ không cấp phép bay đến những sân bay này.
Theo ông Thắng, khi hành khách đi máy bay đông lên, trong khi hạ tầng hạn chế, việc ùn tắc, chậm hủy chuyến là khó tránh khỏi, nhưng không có nghĩa là chấp nhận thực tế này. Đặt vị trí là hành khách, chỉ bay một chuyến ngắn từ TP HCM đi Cam Ranh trong 45 phút mà bị chậm tới vài giờ thì rất khó chấp nhận.
"Nếu các đơn vị áp dụng triệt để các giải pháp mà chất lượng dịch vụ vẫn giảm, chuyến bay vẫn bị chậm, hủy nhiều thì Cục phải cắt giảm số chuyến bay. Ngay cả nước Anh cũng phải chấp nhận hủy cả trăm nghìn chuyến", ông Thắng nói.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam điều phối slot chặt chẽ, từ việc giám sát, quản lý sử dụng của các hãng hàng không, đặc biệt tại các sân bay xảy ra tình trạng quá tải như Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nhằm tránh ùn tắc trong khung giờ cao điểm. Cơ quan này cũng có trách nhiệm tổng hợp, xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến để đưa ra giải pháp xử lý.
6 tháng đầu năm, lượng hành khách lưu thông qua các cảng hàng không trong nước đạt 40,7 triệu, tăng 56% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu, tăng 904%; khách nội địa đạt 38 triệu, tăng 52%.