Ủy ban Kinh tế vừa có báo cáo giám sát việc thực hiện nghị quyết 31 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2021.
Theo đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp sau Hội nghị COP 26. Việt Nam xem xét phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tiếp theo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát.Nhưng phát triển loại năng lượng này ở Việt Nam ra sao cần được đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng.
"Trước mắt, cần có chủ trương của Đảng và từ đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án ở Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp", Uỷ ban Kinh tế nhận xét.
Để chuẩn bị cho quá trình này, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi có quyết định chính thức. Bởi thực tế, việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém.
Mặt khác, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, quan hệ với các nước đối tác.
Dự án điện hạt nhân được dừng, theo giải thích của Chính phủ, là để dồn lực cho các dự án trọng điểm khác. Hiện vẫn chưa có chủ trương phát triển trở lại loại năng lượng này. Gần đây, kiến nghị khởi động lại điện hạt nhân được giới chuyên gia, nhà khoa học nêu tại nhiều diễn đàn về năng lượng. Theo họ, nếu phát triển điện hạt nhân sau năm 2030 mới có thể hiện thực hoá mục tiêu "net zero" vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng tại COP26.
Theo báo cáo giám sát, tới trước thời điểm dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được dừng, đã có 7 dự án thành phần do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND tỉnh Ninh Thuận đầu tư, với số vốn trên 2.300 tỷ đồng. Gần 450 sinh viên, kỹ sư được các đối tác Nga, Nhật Bản đào tạo về chuyên ngành công nghệ điện hạt nhân...
Hơn 5 năm sau khi dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, tại khu vực quy hoạch dự án vẫn tồn tại một số bất cập.
Chẳng hạn, người dân tại khu vực trước đây quy hoạch làm nhà máy điện hạt nhân vẫn chưa ổn định sản xuất do đề án chưa được phê duyệt. Việc này khiến họ gặp khó khăn về quyền với đất đai, không được mua bán, chuyển nhượng, không được thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn... Điều này dẫn tới lãng phí nguồn lực đất đai trong khu vực.
Ngoài ra, việc xử lý các cam kết, thỏa thuận với đối tác nước ngoài vẫn còn khó khăn, tiềm ẩn một số rủi ro trong quan hệ hợp tác nếu Việt Nam không xác định rõ định hướng phát triển điện hạt nhân cũng như xử lý hài hòa lợi ích của các bên. Một số vướng mắc về thuế, chi phí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên quan đến quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chưa được xử lý...
Vì thế, Uỷ ban Kinh tế cho rằng tiếp tục phát triển điện hạt nhân hay không thì Chính phủ cần sớm có phương án giải quyết thoả đáng, kịp thời để tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống, quyền lợi cho người dân vùng dự án chịu ảnh hưởng. Nguồn vốn triển khai, Chính phủ có thể xem xét bố trí từ vốn trung ương còn lại chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoặc nguồn tăng thu ngân sách trung ương 2021, sau đó trình Uỷ ban Thường vụ xem xét.
Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân; có phương án bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ nhân lực đã được đào tạo về điện hạt nhân. Chính phủ nên nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử...