Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu. Trong đó, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng thế giới năm nay xuống còn 1,7%, tốc độ chậm nhất - bên ngoài cuộc suy thoái 2009 và 2020 - kể từ năm 1993.
Sang năm 2024, Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ này sẽ tăng lên 2,7%, thấp hơn mức ước tính 2,9% trước đó. Mức tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2020 - 2024 sẽ dưới 2% - tốc độ 5 năm chậm nhất kể từ năm 1960.
"Cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng khi triển vọng tăng trưởng toàn cầu xuống cấp", Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết trong báo cáo. Lạm phát tăng tốc, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách, điều kiện tài chính xuống cấp và cú sốc từ xung đột Nga – Ukraine đang gây sức ép lên tăng trưởng.
Hậu quả là, "các cú sốc tiêu cực hơn nữa", nếu lạm phát cao hơn, chính sách tiền tệ thắt chặt thêm hoặc căng thẳng địa chính trị leo thang, có thể đẩy toàn cầu vào suy thoái, Ngân hàng Thế giới cảnh báo.
Ngân hàng Thế giới cho biết sự suy giảm lớn ở các nền kinh tế tiên tiến, bao gồm cả việc cắt giảm mạnh dự báo xuống 0,5% cho cả Hoa Kỳ và khu vực đồng euro, có thể báo trước một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mới chưa đầy ba năm sau lần gần đây nhất.
Tăng trưởng tại Trung Quốc được kỳ vọng tăng tốc năm 2021, nhờ dỡ bỏ các lệnh phong tỏa chống dịch, lên 4,3%. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn 6 tháng trước, phản ánh bất ổn trên thị trường bất động sản nước này, nhu cầu của thế giới với hàng hóa Trung Quốc thấp và gián đoạn do Covid-19 vẫn tiếp diễn.
GDP thế giới đã co lại 3,2% năm 2020 do đại dịch, rồi bật tăng mạnh năm 2021. Lần cuối cùng toàn cầu trải qua 2 cuộc suy thoái trong cùng một thập kỷ là thập niên 30.
"Cả 3 cỗ máy tăng trưởng lớn của thế giới – Mỹ, eurozone và Trung Quốc – đều đang trải qua thời kỳ yếu đi rõ rệt", báo cáo nhận định.
Sự giảm tốc này sẽ ảnh hưởng đến các nước nghèo, vốn đang quay cuồng trong tác động từ biến đổi khí hậu, môi trường kinh doanh xuống cấp và lãi suất tăng. Chi phí đi vay tăng sẽ khiến việc trả nợ của các nước càng khó khăn.
Đến cuối năm 2024, GDP các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ thấp hơn 6% so với dự báo trước đại dịch, WB cho biết. Tăng trưởng thu nhập cũng có thể chậm hơn mức trung bình 10 năm trước dịch. Điều này khiến họ càng khó thu hẹp khoảng cách với các nước giàu.
Ngân hàng Thế giới lưu ý rằng một số áp lực lạm phát bắt đầu giảm bớt khi năm 2022 sắp kết thúc, với giá năng lượng và hàng hóa”hạ nhiệt”, nhưng cảnh báo rằng rủi ro gián đoạn nguồn cung mới là cao và việc lạm phát cơ bản tăng cao có thể sẽ kéo dài. Điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương phản ứng bằng cách tăng lãi suất chính sách nhiều hơn dự kiến hiện tại, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái toàn cầu.