Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số trong tổng cơ cấu các doanh nghiệp Việt Nam nên việc hoàn thiện khung pháp lý về mô hình cho vay vốn trực tiếp đối với mảng doanh nghiệp này là rất quan trọng. Một Hội thảo tham vấn về mô hình cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức vào sáng (14/1) tại Hà Nội, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia kinh tế tài chính trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98,1% trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam và đóng vai trò rất quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, tham gia huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo…
Theo đó, hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo ra trên một triệu lao động mới; sử dụng khoảng 5 triệu lao động toàn xã hội, đóng góp khoảng 45% GDP cho cả nước, 31% tổng thu ngân sách nhà nước.
Bà Caitlin Wiesen - Antin khẳng định, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư và tiếp tục nhận được các dòng tài chính quốc tế. Trong bối cảnh Covid-19, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt để sáp nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu
“Với một hệ sinh thái hỗ trợ để phát triển đáp ứng cao, bao gồm một chuỗi hỗn hợp tài chính khỏe mạnh từ trong và ngoài nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển tiềm năng mạnh mẽ cho sự tăng trưởng năng động và bền vững tại Việt Nam”, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Caitlin Wiesen - Antin cho rằng, một trong những thách thức quan trọng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp tục gặp phải đó là sự hạn chế trong tiếp cận tín dụng. Một nghiên cứu mới đây bởi John và Finn Tarp tại trường Đạihọc Copenhagen cho biết, khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa đối mặt với rào cản tín dụng và nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp nhỏ cao hơn 115% so với tỷ lệ cung cấp. Đây chính là lí do tại sao các thị trường tín dụng không chính thức đang đóng một vai trò to lớn đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới kể cả các quốc gia phát triển, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn được đánh giá rất cao. Số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số trong tổng cơ cấu các doanh nghiệp, thông thường tỷ lệ này từ 90%- 98%. Bên cạnh đó, cộng đồng này còn là chủ thể của các phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự hòa nhập của nền kinh tế, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế UNDP cũng cho rằng, cần xây dựng môi trường giúp tăng cường cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể: về môi trường pháp lý, hạ tầng tín dụng và hỗ trợ trực tiếp của chính phủ. Trong đó, sự hỗ trợ từ chính phủ là rất quan trọng, có thể thông qua các hình thức, như: vốn đầu tư mạo hiểm của chính phủ, bảo lãnh tín dụng, trợ cấp tín dụng hay thông qua các tổ chức chuyên cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Jonathan Pincus ví dụ, tại Israel, Chương trình Ươm mầm công nghệ đã hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong 3 năm đầu tiên vận hành và các vườn ươm được tư nhân quản lý và nhận sự hỗ trợ của chính phủ. Đồng thời, các vườn ươm mua vốn chủ sở hữu tại công ty khởi nghiệp, thường cùng đầu tư với các quỹ tư nhân…
Chia sẻ kinh nghiệm mô hình cho vay của tổ chức tài chính JFC Nhật Bản, TS. Nguyễn Trọng Hiệu, Viện phó Viện nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp Hà Nội (INBUS) cho biết, tổ chức này có 152 chi nhánh ở Nhật Bản và 2 chi nhánh ở nước ngoài (đó là Thượng Hải và Băng Cốc) đây là mô hình cho vay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với hình thức cho vay nhiều lần và các khoản vay nhỏ. Đặc trưng của hệ thống này là cho vay không thế chấp (khoảng 74%), cho vay khởi nghiệp và cho vay mạng lưới an sinh (như: thảm họa, phá sản…).
Từ góc độ kinh nghiệm thực tế của mô hình cho vay trực tiếp, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Viện phó Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, trong quá trình thực hiện Dự án Phát triển chuỗi giá trị tôm công bằng, bền vững tại Việt Nam, có những khó khăn khi triển khai cho vay theo chuỗi giá trị.
Cụ thể, cơ chế hợp tác, phân chia lợi ích và chia sẻ rủi ro của người nông dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác, cũng như định chế tài chính tham gia trong chuỗi còn thiếu công khai, minh bạch. Sản phẩm tài chính cho vay theo chuỗi giá trị chưa đa dạng và đồng bộ, nhất là kỷ cương thanh toán...
Đáng chú ý là sự liên kết của các định chế tài chính, nhà đầu tư tư nhân với các ngân hàng thương mại trong việc cung ứng dịch vụ tài chính cho các thành viên trong chuỗi giá trị trên thực tế ở Việt Nam còn lỏng lẻo.
Để triển khai thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 10/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với chức năng cho vay, tài trợ, hỗ trợ tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Qua hơn 3 năm chính thức triển khai hoạt động hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết quả ban đầu cho thấy tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ đã hoạt động hiệu quả, lợi nhuận tăng, tạo thêm việc làm cho người lao động, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vượt kỳ vọng đã thực hiện trả nợ trước hạn. Bên cạnh đó, nguồn vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ được coi là vốn mồi để thu hút các nguồn lực khác từ bên ngoài cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Từ tháng 6/2020, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã công bố giảm lãi suất cho vay về mức 2,16% đối với cho vay ngắn hạn và 4% đối với cho vay trung, dài hạn. Có thể thấy, đây là mức lãi suất hỗ trợ rất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển. Qua đó, khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tăng cường hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy tối đa tiềm năng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Thông qua Hội thảo này, việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm giúp giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận vốn vay sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển hơn nhờ vào nguồn tài chính khỏe mạnh từ cả trong và ngoài nước.