Là sự kiện thường niên tiền triển lãm SIE và VME, Diễn đàn Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam được tổ chức với hình thức trực tuyến do Cục Xúc tiến Thương Mại - Bộ Công Thương và Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO – VPĐD Hà Nội) cùng Reed Tradex Việt Nam phối hợp tổ chức.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), UVBCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) phát biểu nhận định tình hình các doanh nghiệp Công nghiệp Hỗ trợ ngành điện tử hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn do sự phát triển quá nhanh của Công nghiệp 4.0, buộc các doanh nghiệp Việt phải phát triển dựa trên đổi mới, sáng tạo.
“Nhân công giá rẻ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có không còn là lợi thế”, bà Hương nhấn mạnh.
Đại diện ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đưa ra những đánh giá về khó khăn mà toàn ngành đang phải đối mặt như: thiếu nguồn nhân lực lao động lành nghề; thiếu năng lực tài chính và năng lực công nghệ để tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ dòng vốn FDI; nguy cơ chuyển giao công nghệ thấp và trung bình vào Việt Nam; sự thiếu hụt vật liệu, linh kiện tạm thời đang diễn ra ở quy mô toàn cầu.
Thêm vào đó, bà Hương còn đề cập đến những thách thức về an ninh phi truyền thống như: biến đổi khí hậu, khai thác không bền vững tài nguyên thiên nhiên sẽ tác động mạnh đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Giải pháp mà bà Thúy Hương khuyến nghị Chính phủ nên tập trung đầu tư vào các công ty đầu ngành để có thể kéo theo các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển hình thành chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp Việt. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất cần ưu tiên đầu tư vào công nghệ tầm trung và cao, tránh các công nghệ, máy móc cũ kỹ, lạc hậu.
“Điều quan trọng là thu hút FDI có chọn lọc”, bà Đỗ Thị Thúy Hương nói: “cần tập trung, ưu tiên vào các FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, chứa đựng nhiều tính đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các chính sách cần hạn chế các dòng vốn đầu tư và công nghệ chất lượng thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường kỹ thuật số và nền kinh tế số”.
Xu hướng sản xuất và hành vi tiêu dùng trên thế giới ngày nay đang chuyển đổi mạnh mẽ sang các ứng dụng kỹ thuật số, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid 19.
Việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số cho các doanh nghiệp Việt ứng dụng vảo sản xuất kinh doanh là điều kiện quan trọng cho sự phát triển. Bà Phạm Liên Anh - Cán bộ Chương trình cao cấp, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC – Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam đã đưa ra những khảo sát của ngân hàng thế giới về thực trạng này.
Theo bà Liên Anh, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đều có sử dụng máy vi tính nhưng ở mức độ ứng dụng thông thường trong khi thiếu các ứng dụng mang tính chuyên sâu. Và số lượng doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào số hóa cũng không nhiều, chỉ 20% tổng doanh nghiệp cả nước.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đa phần sử dụng công nghệ kỹ thuật số cho quảng cáo sản phẩm, chiếm 51%. Nhưng áp dụng công nghệ cho bán hàng online chỉ chiếm 1%”, bà Liên Anh nói.
Một trong những rào cản làm chậm quá trình chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam là vấn đề về tư duy, nhận thức và sự sẵn sàng của các nhà điều hành doanh nghiệp. Bà Phạm Liên Anh cho rằng do “nhu cầu và sự nghi ngại của các doanh nghiệp về hiệu quả kinh tế của chuyển đổi số” nên đa phần vẫn chưa sẵn sàng.
Theo khảo sát của Ngân hàng thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin hướng dẫn từ chính phủ về chuyển đổi số và tâm lý tự tin quá mức về khả năng tự trang bị công nghệ số của doanh nghiệp trong khi thực tế đa phần chưa áp dụng số hóa trong sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Đình Phong - Giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế, Công ty Deloitte Việt Nam đã chia sẻ tại Diễn đàn “Chính sách ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp cho ngành Công nghiệp Hỗ trợ”.
Theo ông Phong, hiện nay, Chính phủ đã đặt mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển bền vững để khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển. Điển hình là thuế thu nhập doanh nghiệp với mức ưu đãi cao nhất cụ thể: thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Đặc biệt, Nghị định 57/2021/NĐ-CP mới được ban hành đã có nhiều điểm mới và thuận lợi hơn so với quy định cũ. Đối tượng được hưởng lợi từ Nghị định là các doanh nghiệp có Dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm CNHT trước năm 2015 và đã được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT. Doanh nghiệp thuộc các trường hợp này sẽ được áp dụng mức ưu đãi thuế cao nhất, đối với thu nhập phát sinh từ dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho thời gian còn lại, kể từ kỳ tính thuế được cấp Giấy xác nhận ưu đãi CNHT.
Sau khi áp dụng các quy định chuyển tiếp ưu đãi tại Nghị định này, nếu doanh nghiệp có số thuế TNDN nộp thừa đã kê khai hoặc qua thanh kiểm tra thuế, thì doanh nghiệp có quyền đề nghị cơ quan thuế thực hiện bù trừ với nghĩa vụ thuế còn nợ, nghĩa vụ thuế phát sinh của kỳ tính thuế tiếp theo.
Đặc biệt, theo Nghị định này, Chính phủ cho phép doanh nghiệp được áp dụng hồi tố các ưu đãi thuế được hưởng và trong trường hợp có phát sinh nộp thừa, mặc dù đã được cơ quan thuế thanh, kiểm tra vẫn được phép bù trừ với nghĩa vụ thuế trong tương lai.
Trước đó, vào tháng 8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết riêng về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo phản hồi của những doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ: chính sách hỗ trợ phát triển CNHT hiện nay đã tốt hơn các ưu đãi trước đây, nên các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi sẽ được chuyển tiếp áp dụng các ưu đãi mới có lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp CNHT sẽ có nhiều cơ hội đầu tư phát triển thuận lợi hơn, giảm bớt áp lực về tài chính, từ đó mạnh dạn đầu tư phát triển với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn.
Tuy nhiên, dù chính sách đã được đánh giá tốt, nhưng theo các chuyên gia, số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa tham gia vào mạng lưới sản xuất còn rất thấp. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp trong ngành tiếp cận được chính sách hỗ trợ còn khá khiêm tốn.
Diễn đàn Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2021 lần đầu tiên được thực hiện trực tuyến, nhưng vẫn thu hút được đông đảo doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp quan tâm tham dự. Màn hỏi đáp giữa các diễn giả và những người tham dự trực tuyến hết sức sôi nổi với nhiều câu hỏi thẳng thắn, chuyên sâu về các vấn đề tổ chức tham gia chuỗi cung ứng, các ưu đãi về thuế, về phi thuế quan, số hóa của Chính phủ được các chuyên gia kinh tế giải đáp khá đầy đủ.
Diễn đàn kết thúc mà vẫn còn nhiều câu hỏi được gửi trực tiếp đến các diễn giả để trả lời thông qua thư điện tử tới từng người đã đặt câu hỏi. Đồng thời tất cả đều đón chờ sự kiện chính gồm hai triển lãm SI và VME sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng 9 năm nay trên cùng một địa điểm tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Tải các bài trình bày của Diễn đàn CNHT Việt Nam 2021
tại đây. 1, 2