Kế hoạch phát hành tiền điện tử Libra của Facebook đã vấp phải điệp khúc phản đối từ các nhà quản lý, ngân hàng trung ương và chính phủ các nước, cho rằng phải tôn trọng các quy tắc chống rửa tiền và đảm bảo an toàn cho các giao dịch và dữ liệu người dùng.
Hôm qua, các Bộ trưởng Tài chính Nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã thống nhất cần phải “hành động nhanh” trước dự án phát hành tiền điện tử Libra của Facebook.
Bộ trưởng Tài chính Pháp - Le Maire - nhấn mạnh sự cần thiết của các quy tắc để chống hành vi rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Ông nói với báo chí rằng: “Tôi sẽ nói đây là câu hỏi đầu tiên về chủ quyền. Bạn có các quốc gia, Mỹ, Pháp, Đức, Ý - tất cả các quốc gia có chủ quyền với các loại tiền có chủ quyền: đô la, euro… và họ đang tuân thủ một số cam kết rất mạnh mẽ cùng một số quy tắc rất mạnh mẽ. Chúng tôi không thể chấp nhận một loại tiền tệ mới có cùng loại quyền lực, không có cùng loại quy tắc, không có cùng loại cam kết và không có cùng loại nghĩa vụ”.
"Quan điểm chung của chúng tôi là lo ngại về kế hoạch phát hành đồng tiền ảo Libra, và thống nhất rằng cần có hành động khẩn cấp" - ông Le Maire nói thêm.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cũng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc. Theo ông, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 đã quyết định rà soát cẩn thận tất cả quy định hiện hành, xem xét liệu có cần phải thay đổi để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính quốc tế trong tương lai hay không.
Cũng trong ngày hôm qua, David Marcus – Giám đốc dự án tiền kỹ thuật số Libra của Facebook tiếp tục ra điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ. Cuộc điều trần kéo dài hơn 4 giờ, hé lộ nhiều thách thức Facebook phải đối mặt khi muốn ra mắt tiền kỹ thuật số này.
Chủ tịch ủy ban này – bà Maxine Waters so sánh Facebook với hai công ty Mỹ cũng gặp scandal lớn, là Wells Fargo và Equifax. "Số người chịu thiệt hại từ hoạt động của Facebook cũng tương tự Wells Fargo, và sự thất bại trong việc bảo mật thông tin người dùng cũng có quy mô như Equifax", bà nói. Waters đã công bố một dự luật cấm các hãng công nghệ lớn tham gia vào hệ thống tài chính. Việc này có thể ngăn Facebook ra mắt Libra.
Nghị sĩ Carolyn B. Maloney thì cho rằng Facebook nên bỏ ý tưởng này, hoặc ít nhất chỉ đưa ra một chương trình thử nghiệm nhỏ. "Tôi không cho rằng Facebook nên ra mắt Libra. Việc tạo ra một đồng tiền mới là chức năng cơ bản của chính phủ", bà nói.
Ở châu Âu, Pháp, nước chủ tịch G7 năm nay, đã yêu cầu thành viên ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Châu Âu Benoit Coeure thành lập một nhóm chuyên trách của G7 để xem xét tiền điện tử và tiền kỹ thuật số giống như Libra.
Ông Coeure đã trình bày một báo cáo sơ bộ trước cuộc họp, cho biết nếu Facebook muốn nhận tiền gửi, họ phải có giấy phép ngân hàng, đồng nghĩa với việc phải tuân thủ những quy định chặt chẽ trong hoạt động ngân hàng.
Tại Mỹ, Facebook đang ngày càng mất uy tín với giới chức quốc gia này, sau hàng loạt scandal về tin giả và bảo mật thông tin người dùng. Tuần trước, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) còn phạt mạng xã hội này 5 tỷ USD vì vấn đề bảo mật.
Một số nghị sĩ hôm qua đặt câu hỏi liệu Facebook có thể ngăn những người đã bị cấm dùng mạng xã hội này sử dụng Libra hay không. Marcus cho biết hiện tại ông không có câu trả lời cho vấn đề này.
Dù vậy, Marcus cũng nhắc lại họ sẽ không vội vã phát triển tiền ảo này và đã bắt đầu thảo luận với giới chức Mỹ cũng như nhiều nước khác. "Chúng tôi chịu trách nhiệm về các sai lầm của mình và đang nỗ lực khắc phục các vấn đề trên mọi phương diện", ông nói.
Kể từ khi Facebook thông báo sẽ ra mắt tiền kỹ thuật số mới ngày 18/6, – Libra vào nửa đầu năm sau. Libra không do Facebook điều hành, mà thuộc quản lý của Libra Association - một tổ chức phi lợi nhuận được sự ủng hộ của hàng loạt công ty khác, như Visa, PayPal, eBay, Lyft, Uber và Spotify. Tiền số này sẽ được tạo ra trên nền tảng khối chuỗi mới, được bảo đảm bằng trái phiếu chính phủ ngắn hạn và tiền gửi ngân hàng.